Thị trường chứng khoán ngày 12/5 mở cửa phiên chiều tiếp tục ghi nhận làn sóng bán tháo mới, chỉ số càng lúc giảm sâu và bị mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng quanh 1.250-1.260 điểm.
Áp lực bán tăng vọt trong khi lực cầu yếu khiến nhiều mã cổ phiếu trắng bên mua. Đà tăng điểm hai phiên liên tiếp (10/5 và 11/5) nhưng ghi nhận thanh khoản giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy lo lắng. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán.
Tháng 4 vừa rồi, dù thị trường giảm mạnh song chứng khoán vẫn ghi nhận có tới hơn 230.000 tài khoản được mở mới. Dù vậy, lượng nhà đầu tư này không giúp chỉ số chứng khoán hồi phục mà chỉ số ngày càng lún sâu. Áp lực bán mạnh xảy ra trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhất là cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, xây dựng.
Phiên ngày 12/5 hôm nay cũng là phiên tiền về của những nhà đầu tư đã bắt đáy cổ phiếu đầu tuần. Như vậy, hầu hết các nhà đầu tư đều đã thua lỗ do dự đoán sai mức đáy chỉ số VN-Index.
VN-Index chốt phiên sáng chỉ giảm hơn 25 điểm, tương ứng 1,94% và dừng tại ngưỡng 1.276,29 điểm. VN30-Index giảm hơn 30 điểm, tương ứng 2,23%, còn 1.319,67 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cũng dừng phiên giao dịch sáng dưới mốc tham chiếu.
Thị trường giao dịch trong sắc đỏ suốt cả phiên sáng song càng tới cuối ngày chỉ số càng giảm mạnh. Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/5, VN-Index "bốc hơi" 62,69 điểm, tương ứng 4,82% về mốc thấp nhất ngày tại 1.238,84 điểm. HNX-Index cũng rơi 17,52 điểm, tương ứng 5,26% còn 315,52 điểm.
Chỉ số đại diện nhóm VN30 phiên ngày 12/5 giảm tới 70 điểm. Tất cả các mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường đều thuộc nhóm này, dẫn đầu là nhóm ngân hàng. VCB giảm 2,7% và là mã tác động xấu nhất đến VN-Index. Bên cạnh đó, BID, VPB, TCB, LPB, MSB, OCB, STB… giảm sàn, CTG, MBB… giảm hơn 6%, sát giá sàn. Ngoài ra, nhóm VN30 có tới 11 mã giảm sàn, chỉ có duy nhất một mã tăng giá là SAB nhưng cũng chỉ tăng nhẹ 0,86%. Áp lực bán xuất hiện ở hầu hết các nhóm ngành quan trọng.
Cổ phiếu dầu khí bị bán tháo mạnh với PLX, PVC, PVD, PVS giảm sàn. Các mã BSR, OIL, POS, PVT, PVB, TOS không giảm sàn song mức giảm mạnh, từ 2-6%. Nhóm cổ phiếu bán lẻ diễn biến tương tự khi FRT, DGW giảm sàn. PNJ giảm 5,5%, MWG giảm 4,6%.
Cổ phiếu hàng hóa cũng đang nằm sàn hàng loạt. Nhóm thép ghi nhận HSG, NKG, TLH giảm hết biên độ gần 7%. POM cũng giảm tới 5,5% hay như cổ phiếu trụ HPG cũng giảm 5,9%. Bộ đôi cổ phiếu phân bón DCM và DCM giảm sàn. Nhóm hóa chất ghi nhận DGC, BFC và CSV giảm sàn. Cổ phiếu thủy sản có VHC, ANV, IDI, CMX, ACL... bị bán giá sàn. Không có một nhóm ngành nào dẫn dắt và làm trụ đỡ cho thị trường.
Nhóm cổ phiếu tài chính như chứng khoán, bảo hiểm cùng lao dốc mạnh. Các mã APG, BMI, MIG, VCI, BIC, BSI, FTS, SSI, BVH, HCM, VIX… đồng loạt giảm sàn.
Nhóm cổ phiếu FLC sau 2 phiên tăng tích cực cũng quay đầu giảm mạnh. Trong đó, FLC, KLF, AMD, HAI giảm sàn, ROS giảm 6,2%, ART giảm 7,5%.
Cổ phiếu bất động sản, xây dựng cũng "bốc hơi" thị giá. CEO, CKG, DIG, DRH, DXG, DXS, HAG, HDC, HQC, HTN, IDJ, ITA, LDG, VCG, CTD… giảm sàn. Nhiều mã khác không giảm sàn song thị giá vẫn bốc hơi từ 4-6% như KBC, IDV, IDC, HD2…
Khối ngoại bán ròng gần 98 tỷ đồng trên HoSE. Vẫn có một số mã hôm nay được mua ròng là STB (50 tỷ đồng), DGC (50 tỷ đồng), VNM (34 tỷ đồng)... Còn lại nhiều mã bị bán như VIC, HPG, VCB, DIG, NVL…
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.717 tỷ đồng, tăng 37% trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 36% lên 14.003 tỷ đồng, song vẫn là mức thanh khoản thấp so với các tháng đầu năm 2022.
Trần Thu Thảo
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/hang-loat-nhom-nganh-bi-ban-thao-chung-khoan-lai-thung-moc-1300-diem-a565842.html