Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, những trẻ bị dậy thì sớm thường không đạt được chiều cao mong muốn và thấp hơn bạn bè cùng lứa tuổi.
Dậy thì sớm là như thế nào?
Dậy thì sớm được xác định là dậy thì khởi phát trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Có nhiều gia đình rất vui mừng khi thấy con cái phổng phao, cứng cỏi hơn bạn bè cùng trang lứa, nhưng khi quan sát kỹ những thay đổi lạ trên cơ thể con, nhiều phụ huynh đã “ngã ngửa” khi phát hiện con đã dậy thì sớm.
Dấu hiệu dậy thì sớm ở nữ: Chiều cao vượt trội rõ rệt so với các bạn. Ở những trẻ gái ngực bắt đầu nở nang, vú phát triển và sẫm màu, có thể hành kinh.
Dấu hiệu dậy thì sớm ở nam: Ở những trẻ trai cơ bắp nở nang, dương vật dài ra, có râu và vỡ giọng, tốc độ tăng trưởng vượt trội.
Có rất nhiều trẻ trước tuổi dậy thì thuộc hàng “nhỏ con, chiều cao khiêm tốn”, nhưng nếu có sự chuẩn bị tốt, khi bước vào tuổi dậy thì, có trẻ đạt tốc độ cao lên tới 18cm/năm. Nhưng nếu trẻ dậy thì sớm sẽ có ít cơ hội cao hơn so với những đứa trẻ dậy thì đúng thời điểm.
Tác hại dậy thì sớm
Dù là do nguyên nhân gì thì bé dậy thì sớm cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển sau này, một số hệ quả có thể xảy ra bao gồm:
Ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ, gây ra tâm lý ngại ngùng, dễ làm trẻ tự ti, thiếu tự tin;
Chiều cao hạn chế: Thời điểm dậy thì có thể trẻ cao hơn so với các bạn cùng độ tuổi tuy nhiên, dậy thì quá sớm làm cho các khớp xương bị đóng sớm hơn bình thường, rút ngắn thời gian sinh trưởng do đó làm ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ khi trưởng thành;
Bé gái dậy thì sớm sẽ ảnh hưởng rối loạn nội tiết sớm gây ra hội chứng buồng trứng đa nang ảnh hưởng tới khả năng sinh sản;
Dậy thì sớm gây nhiều hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của trẻ. Việc phòng ngừa dậy thì sớm cho trẻ sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện và vui vẻ, lạc quan hơn trong cuộc sống...
Trẻ dậy thì sớm có nguy cơ bị lùn sau này?
PGS. TS. BS Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park chia sẻ, bước vào thời kỳ dậy thì, chiều cao cơ thể của các bé phát triển rất nhanh do hormon gây dậy thì sớm kích hoạt các cơ xương phát triển. Vào thời kỳ cao điểm, mỗi năm có thể cao thêm từ 6 - 8cm. Sau đó sự phát triển của chiều cao sẽ chậm dần đến khi hai đầu của ống xương khép kín lại thì trẻ sẽ không cao thêm nữa. Và nó cũng đồng nghĩa với việc ban đầu trẻ có thân hình vượt trội, cao to hơn so với các bạn đồng trang lứa.Tuy nhiên về sau khi các đầu xương nhanh chóng đóng kín, quá trình phát triển về thể chất chưa kịp hoàn thiện khiến những trẻ dậy thì sớm sẽ bị thua kém về chiều cao so với các bạn bình thường khi đến tuổi trưởng thành.
Đặc biệt trẻ bị dậy thì sớm được ví như bị đánh cắp cơ hội cuối cùng để tăng chiều cao. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của trẻ cảnh báo, trẻ gái bị dậy thì sớm sẽ thấp hơn 12cm, trẻ trai thấp hơn 20cm so với bạn cùng lứa khi trưởng thành.
Cách giúp trẻ dậy thì sớm tăng chiều cao?
PGS Thoại Loan nhấn mạnh dậy thì chính là giai đoạn trẻ phát triển vượt bậc về cả vóc dáng lẫn trí tuệ, đây là thời điểm trẻ bắt đầu ý thức được về chiều cao, cân nặng của bản thân. Phát triển chiều cao vượt trội, đồng thời đạt khối lượng xương đỉnh khi vào tuổi trưởng thành là điều bất kỳ trẻ nào cũng cần nhắm tới. Nếu trẻ bị dậy thì sớm, cần làm cách nào để tăng chiều cao cho giai đoạn nước rút này.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng: Tăng cường rau củ quả trong bữa ăn hằng ngày, đảm bảo lượng đạm đầy đủ, hạn chế sử dụng đồ ăn đã qua chế biến sẵn và đồ ngọt, đồ chiên rán... chứa nhiều chất béo. Chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn, những thực phẩm chứa hormone tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới dậy thì sớm.
Chế độ dinh dưỡng tốt nhất đó phải đảm bảo đủ 4 nhóm, muốn vậy không thể thiếu các dưỡng chất giúp tăng chiều cao là Canxi nano, Vitamin D3 và MK7 (vitamin K2 duy nhất từ tự nhiên). Các dưỡng chất này nằm rải rác ít nhiều trong các thực phẩm hằng ngày chúng ta cho trẻ ăn, nhưng trong quá trình nấu nướng, thực chất lượng dưỡng chất tăng chiều cao được đưa vào cơ thể là bao nhiêu thì chẳng ai nắm được. Bởi vậy có thể tìm các dưỡng chất tốt cho xương phát triển này ở các dạng thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung.
Hạn chế đồ ăn nhanh: Trong chế độ dinh dưỡng của các bé, bố mẹ nên hạn chế các loại thức ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, thay vào đó hãy bổ sung các chất tốt cho sức khoẻ và sự phát triển chiều cao của trẻ như canxi, vitamin D… Đặc biệt, cần lưu ý không nên ăn quá nhiều đồ ăn nhiều đạm, nhiều dầu mỡ...
Tạo môi trường sống lành mạnh cho trẻ: Môi trường sống lành mạnh sẽ giúp các em hạn chế tác hại dậy thì sớm đối với sự phát triển của cơ thể. Vì thế, nhà trường, gia đình cần tạo điều kiện giúp đỡ để các em có thể phát triển trong một môi trường lành mạnh nhất.
Tăng cường tập thể dục thể thao: Theo y học, mô chất béo là một trong những cơ quan nội bài tiết, tiết ra estrogen, thông qua vận động thiêu đốt chất béo cũng có thể giảm thấp mức độ hormone trong cơ thể trẻ. Đặc biệt là tăng cường luyện tập chân, mỗi ngày nên đảm bảo tập luyện 30 phút, các môn thể dục thích hợp là chạy bộ, leo cầu thang và nhảy dây.
Cho trẻ ngủ đủ giấc: Khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, để cơ thể có thể phát triển tốt hơn, chúng ta không chỉ quan tâm đến chế độ dinh dưỡng ở trẻ mà còn phải chú ý đảm bảo giấc ngủ.
Đừng lạm dụng thuốc bổ: Các bố mẹ thường sử dụng thuốc bổ để giúp các con có thể phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, nếu như lạm dụng quá mức những loại thuốc bổ này, chúng sẽ gây ra những tác dụng không tốt. Để hạn chế các tác hại dậy thì sớm ở trẻ, khi quyết định sử dụng các sản phẩm này, chúng ta cần nhận được sự tư vấn của bác sĩ để phòng tránh tác dụng phụ.
Trúc Chi (t/h Sức khỏe & Đời sống, Gia Đình Việt Nam, Lao Động)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bi-quyet-tang-chieu-cao-cho-tre-day-thi-som-a565922.html