Chị Thanh Tâm thân mến!
Em hết chịu nổi với cái kiểu ghen vô cớ của chồng em rồi. Anh ấy là công nhân xây dựng, còn em là giáo viên. Mấy năm đầu, khi em là cô giáo mới ra trường, chưa tham gia sinh hoạt nào khác ở trường, công việc chuyên môn cũng chưa nhiều thì mọi chuyện cũng yên ấm lắm. Nhưng em là giáo viên trẻ, tích cực tham gia sáng tạo giáo án, thi giáo viên dạy giỏi.
Em lại thuộc diện cán bộ nguồn, em được phân công làm tổng phụ trách, làm công tác công đoàn. Vì vậy gần đây rất nhiều việc, giờ giấc làm việc thất thường hơn. Em lên lớp hay đi công tác thì thôi, còn về nhà, chồng cứ suốt ngày nặng nhẹ với vợ. Anh bắt đầu nói nhiều từ ngữ, câu chuyện tỏ rõ nghi ngờ lòng chung thủy của vợ, thậm chí còn nói những từ xúc phạm em trầm trọng. Em cảm thấy cuộc sống rất tù túng, ngột ngạt mà chưa biết phải làm sao, chị tư vấn giúp em với nhé.
Nguyễn Hà Thu (Bắc Giang)
Hà Thu thân mến!
Rất nhiều ông chồng "giở chứng" khi vợ có cơ hội thăng tiến trong công việc. Nhất là chồng em làm nghề xây dựng, hay phải đi công tác xa nhà, cảm giác bất an vì vợ thuận buồm xuôi gió càng hành hạ cậu ấy nhiều hơn. Muốn giải quyết triệt để vấn đề này, vợ chồng em nên nói chuyện cởi mở, thẳng thắn.
Tâm lý "lần đầu tiên" là một ngưỡng đã vượt qua một lần thì rất dễ cho những lần sau. Như chuyện nhà em là cách chồng cho phép mình mặt nặng mày nhẹ với vợ, nói năng hàm hồ, thậm chí xúc phạm vợ. Em là cô giáo, uy tín bị hạ thấp thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong cả việc dạy cũng như các việc xã hội. Nín nhịn để không đẩy nỗi bực dọc, giận dỗi của chồng lên cao, có những hành động thái quá, nhất là không tranh luận đúng-sai trong lúc chồng đang nóng nảy là một vài cách hạ hỏa tốt nhưng nhất định phải nói rõ với chồng về các giới hạn trong cách ứng xử vợ chồng để tình trạng đó không tiếp diễn.
Chồng em mới chỉ nhìn thấy những công tác xã hội, đoàn thể em tham gia, cứ tưởng mọi việc với vợ hanh thông lắm. Nhưng thực tế, trong công việc hằng ngày em sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn. Hãy chia sẻ với chồng điều đó để cậu ấy ý thức được thành công của em là nhờ nỗ lực vượt qua khó khăn hằng ngày, phải cố gắng mới giành được. Em cũng nên cho cậu ấy biết, khi phải làm thêm việc, em mất thời gian, công sức như thế nào. Em hãy chia sẻ mình có kế hoạch phát triển sự nghiệp như thế nào, muốn đạt được phải phấn đấu ra sao…
Những tâm sự ấy của em sẽ giúp chồng có những hình dung đầy đủ hơn về những gì vợ đang có trong tay, hiểu thêm tính chất công việc của vợ, những khoảng thời gian em phải dành thêm ở trường để không "ghen" với công việc của vợ nữa.
Người phụ nữ vất vả, gian nan hơn người đàn ông ở chỗ, chăm lo gia đình luôn song hành bên cạnh xây dựng sự nghiệp, luôn phải quan tâm sâu sát mọi chuyện nhà cửa, cơm nước, sinh hoạt trong nhà. Nhất là khi chồng hay đi công tác như em, mọi việc đối nội đối ngoại đều dồn lên em. Cần nói rõ điều đó để chồng ý thức hơn việc đồng cam cộng khổ cùng vợ, cùng chăm lo gia đình khi có điều kiện về nhà.
Trong thư em chị không thấy nhắc đến con cái dù cuộc hôn nhân của hai người đã kéo dài khá nhiều năm. Nếu chưa có con thì nên bàn bạc về vấn đề này. Việc có một đứa con, việc vợ chăm lo gia đình, con cái ổn thỏa sẽ giúp chồng giảm đi những suy diễn ghen tuông, làm cho cuộc sống gia đình vui vẻ hơn, tình cảm vợ chồng gắn bó hơn.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vo-ngot-ngat-truoc-su-ghen-tuong-vo-co-cua-chong-a565942.html