Liên quan đến sai phạm, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà bị xử lý ra sao?

Ông Phạm Hồng Hà - nguyên chủ tịch UBND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật hình sự.

Nguyên chủ tịch UBND TP Hạ Long bị bắt vì liên quan đến vụ án tại Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long.

Thông tin từ Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, điều tra bước đầu xác định từ năm 2017 đến năm 2021, Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 3 đã ký các hợp đồng quản lý, bảo trì tuyến đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Ký hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông cầu sông Chanh với Cục đường thủy nội địa Việt Nam và hợp đồng điều tiết đảm bảo giao thông với một số đơn vị khác.

lien quan den sai pham nguyen chu tich ubnd tp ha long pham hong ha bi xu ly ra sao

Ông Phạm Hồng Hà - nguyên chủ tịch UBND TP Hạ Long.

Quá trình thực hiện các hợp đồng nêu trên, một số cá nhân là lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần Quản lý đường sông 3 đã có hành vi hợp thức hóa hồ sơ, lập khống chứng từ nhằm nghiệm thu, quyết toán vượt quá khối lượng công việc thực tế để chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Đồng thời, thông đồng với một số cán bộ Ban quản lý vịnh Hạ Long để tạo điều kiện được ký hợp đồng quản lý, bảo trì, đảm bảo điều tiết giao thông tại vịnh Hạ Long trái quy định.

Căn cứ kết quả, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố 6 bị can thuộc Công ty cổ phần Quản lý đường sông 3 về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, trong các ngày 10-5 và 14-5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam đối với các bị can nguyên là lãnh đạo và nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, gồm Bùi Sĩ Giáp, nguyên trưởng phòng Kỹ thuật và tu bổ, tôn tạo cảnh quan Ban Quản lý Vịnh Hạ Long; Phạm Thái Dương, nhân viên Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, về hành vi "Nhận hối lộ", quy định tại khoản 2, Điều 354 Bộ luật Hình sự; Phạm Hồng Hà, nguyên trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự.

Như thông tin đăng tải trên báo chí, Luật sư Trương Công Đức (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay: Chiếu theo quy định của pháp luật, Điều 356 Bộ Luật hình sự quy định: “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: (a) Có tổ chức; (b) Phạm tội 02 lần trở lên; (c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Bước đầu, ông Phạm Hồng Hà, nguyên trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long bị bắt đề điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự. Như vậy, ông này đang phải đối mặt với mức án từ 5 – 10 năm tù.

ls truong cong duc

Luật sư Trương Công Đức (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội).

Luật sư Đức phân tích: Theo quy định trên, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ là hành vi của người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Về chủ thể, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ phải là người có chức vụ, quyền hạn.

“Hành vi tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng tương tự như hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người phạm tội tham ô, tội nhận hối lộ và các tội phạm khác, có việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn; do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi gây thiệt hại đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội. Nếu họ không có chức vụ, quyền hạn thì họ không thể thực hiện được hành vi gây thiệt hại; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội”, Luật sư Đức phân tích.

Luật sư Đức chỉ rõ, làm trái công vụ là dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này và động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc.

T.V

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lien-quan-den-sai-pham-nguyen-chu-tich-ubnd-tpha-long-pham-hong-ha-bi-xu-ly-ra-sao-a565985.html