Tháng Tư dịu dàng mang theo cơn mưa đầu hạ, những giọt mưa tí tách rơi đều đều qua tán lá rồi hòa mình vào đất và tan biến mất. Hạt nối hạt, đất bao dung âm thầm chịu đựng cái tí tách đớn đau nhỏ nhoi đều đặn suốt từ đêm hôm qua tới buổi sáng nay. Bên cạnh nhà tôi, tiếng nhạc buồn bã từ chiếc nhị kéo đều đều, một người đàn bà đời đã phủ rêu.
Cô là một thợ may khéo léo. Tôi hay chạy sang nhà cô, ngồi ngắm những mảnh vải vuông vắn biến hình thành chiếc áo mới tinh. Cô ngồi xếp những mảnh vải thành hàng với nhau, thoăn thoắt bên đường may. Lúc ấy, tôi còn là đứa trẻ lên năm tuổi, xin cô mảnh vải nhỏ may một chiếc túi đựng sỏi trong bài tập ở lớp vỡ lòng. Chiếc túi nhỏ xinh màu xanh lơ. Tôi nhặt những viên sỏi nhỏ vào trong đó, ngắm chiếc túi xinh xinh, thầm cảm ơn cô ấy thật khéo tay và tốt bụng.
Ngày xưa cô là người con gái đẹp nhất làng, tóc mây dài thả ngang lưng. Đôi mắt cô thật hiền, đen láy, trong vắt nhưng buồn. Mỗi lúc cười miệng cô tươi đấy, nhưng trong khóe mắt ánh lên những dòng nước lóng lánh chỉ chực chảy ra. Cô cười mà như khóc, tôi mang thắc mắc ngây ngô về hỏi mẹ. Mẹ bảo đời cô ấy buồn lắm, chồng đi bộ đội khi hai vợ chồng cưới nhau được bảy ngày.
Chiến tranh ác liệt, người đàn ông của cô đã hy sinh nơi chiến trận để lại người vợ xinh đẹp và tuổi xuân còn dang dở. Mẹ kể ngày nhận giấy báo tử, cả thôn làm lễ truy điệu, cô ngồi như một bức tượng, không khóc, không nói nhưng nỗi buồn thì thăm thẳm. Cô đọc lại những lá thư chú gửi. Vẫn nắng lấp lánh vào cánh rừng Trường Sơn xào xạc lá, nơi đơn vị chú đóng quân. Chú hẹn một ngày hòa bình, đất nước thống nhất, chú sẽ trở về bên cô. Nét chữ nắn nót từng dòng uốn lượn vẫn còn đó, nhưng người đã đi xa.
Cô không đi bước nữa, giữ trọn vẹn mối tình chung thủy sắt son. Cô xây một ngôi nhà nhỏ, xin một đứa con gái nuôi và làm thợ may từ đó. Buồn vui lặng lẽ bên cuộc đời. Những ngày Tết, nhà nhà vui vầy ngõ xóm, chỉ có hai mẹ con cô lầm lũi cắt may. Tôi hỏi “sao cô không đi sắm Tết?”. Cô bảo, cô còn phải may quần áo cho mọi người có áo đẹp đi chơi. Nụ cười hiền hòa nhưng thật buồn trên khóe mắt. Hôm ấy, chiều hai mươi tám Tết trời rét đậm.
Bao nhiêu năm trôi qua, người đàn bà ấy vẫn cặm cụi ngồi may. Trên mái tóc cô đã điểm sợi bạc. Tuổi xuân đã qua đi, biết bao ngày mưa rồi lại nắng, vết ố trên tường hoen gỉ cùng thời gian. Trên bàn thờ, ảnh chú ấy có khuôn mặt thật trẻ, chú mặc chiếc áo bộ đội màu xanh trong quân ngũ, vẫn mỉm cười. Nét xuân của một đời trai hằn in sau lớp kính đã mờ. Còn cô, thời gian đã điểm bạc lên mái tóc màu hoa râm. Tôi tự nghĩ, chắc tuổi trẻ họ đã có với nhau rất nhiều lời hẹn ước, những thủ thỉ tâm tình về một tương lai tươi đẹp. Phải sâu sắc lắm cô ấy mới nguyện một lòng giữ trọn vẹn hai chữ “thủy chung”.
Nhưng giờ đây, chú ấy đã mất, nỗi nhớ trở nên xa ngái và vô vọng. Chú vì Tổ quốc mà bỏ lại xương máu và tuổi thanh xuân ở miền chiến trường. Tháng năm qua đi, những đường may của cô cứ đều đều, thẳng tắp theo vòng quay chân nhún đạp chầm chậm của chiếc máy may, cảm xúc đã chai sạn dần. Nỗi nhớ đã quá lâu hẳn sẽ thành một thói quen và chai lì như gỗ đá. Người đàn bà ngồi may những chiếc áo mới cho mùa xuân nhưng tâm hồn mình đã cũ. Bên hiên nhà, những hàng rêu phủ xanh trên mái ngói, phủ lên cả nỗi đợi chờ.
Mùa thu thay lá, đông tàn, xuân sang, hạ đến. Đất trời cứ một vòng tròn khép kín chảy trôi cùng thời gian. Tiệm may giờ không còn nữa, thời thế thay đổi nên người ta thích mua những bộ đồ may sẵn hơn là phải đến tiệm may của cô đợi chờ. Mảnh vải còn trên giá của cô lâu rồi đã lỗi mốt. Chiếc máy may được đắp lên một mảnh vải hoa vì không còn nhu cầu sử dụng đến nó nữa. Những đồ vật vô tri lặng câm nhưng không hiểu sao tôi nhìn vào lại thấy thoáng buồn.
Người con gái nuôi của cô đi lấy chồng xa. Ngày lấy chồng hai mẹ con rưng rưng chào nhau trong nước mắt. Có điều gì đắng ngắt trong cổ khi đoàn rước dâu đi khuất xa cuối ngõ. Di ảnh trên bàn thờ vẫn nghi ngút khói hương. Cô lặng thầm nhìn ngắm chú qua bức ảnh rồi tự độc thoại với chính mình “anh vẫn trẻ còn em thì đã già”. Từ dạo ấy, đôi mắt cô vẫn đen láy nhưng buồn hơn, cô hay nhìn vào khoảng không vô định trên bầu trời, cô hiếm khi cười hoặc nếu có cười thì những vết chân chim hằn in lên khóe mắt, vết chân chim nhàu nhĩ những gì đã cũ.
Cô hay ngồi tựa cửa một mình bên những buổi chiếc tà, khi ánh nắng hắt lên những tia yếu ớt cuối cùng của một ngày. Sự cô đơn va chạm nhau buồn đến se sắt, thắt lòng. Thanh xuân của ai rồi cũng qua đi, cô buông bát, khắc khoải bên mâm cơm chỉ có một mình. Tiếng lách cách chạm nhẹ vào nhau như sự sống chỉ là sự tồn tại bởi nơi gặp mặt của những nỗi buồn chồng chất thành cô đơn. Tôi muốn bảo cô khóc đi, khóc thật nhiều cho nỗi buồn trôi hết, nhưng trớ trêu thay nước mắt không phải lá khoai nên nỗi buồn vẫn ở lại.
Một ngày tháng Tư, khi mùa xuân tàn, cơn mưa đầu hạ ghé xuống mang theo những giọt nước trong veo từ trên trời rơi tí tách, người con gái về thăm cô, người đàn bà ấy đã yếu lắm rồi. Cô nằm lặng lẽ trên giường không nhận ra ai nữa, đôi mắt khép hờ cho dòng lệ tuôn rồi buông tay trong cô độc. Vậy là cuộc đời người đàn bà ấy như vệt nắng cuối chân trời đã lịm tắt. Bỏ lại cho đời những giọt buồn vào đất, vào gió, vào mây, cho lãng quên hết đi bụi trần. Trên bàn thờ, di ảnh của chú như sáng hơn qua lớp kính bám đầy vết bụi, chú vẫn còn rất trẻ.
Tiếng nhạc réo rắt khi trầm, khi bổng, như nỗi buồn ào ạt chảy trôi theo mưa. Tôi đến thắp hương cho cô lần cuối, trước mặt tôi bức di ảnh người đà bà thật đẹp nhưng có đôi mắt buồn. Vậy là cô được gặp lại tình yêu của mình rồi, không còn cô đơn nữa. Người ta bảo mọi kết thúc đều thật buồn nhưng tôi nghĩ với cô kết thúc để bắt đầu niềm vui mới trên thiên đàng. Thế nên trời chỉ mưa nốt sáng nay thôi rồi sẽ tạnh. Tôi chắp tay bên làn khói hương bảng lảng, mong sao dù ở bất cứ nơi nào cô cũng thật an yên.
Nguyễn Thanh Nga
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-dan-ba-cuoc-doi-da-phu-reu-a565997.html