Tác động tiêu cực từ việc mạnh tay thanh lọc thị trường và những diễn biến cũng không khả quan của các sự kiện tại Việt Nam cũng như trên thế giới khiến áp lực bán tháo của thị trường diễn ra suốt từ đầu tháng 4 đến nay, làm VN-Index trong gần một tháng rưỡi qua đã "bốc hơi" hơn 20%.
Tuần giảm thứ 6 liên tiếp
Ngày giao dịch cuối tuần 13/5, VN-Index đã chính thức xuyên qua mốc 1.200 điểm xuống còn 1.182,77 điểm, tương ứng giảm 22,62% so với mức đỉnh 1.528,57 vào ngày 6/1. Điều quan trọng nhất, với mức rớt này, thị trường giá xuống (hay còn gọi là thị trường con gấu) đã xuất hiện.
Đây là lần thị trường con gấu thứ 5 trong lịch sử chứng khoán Việt Nam. Những đợt trước lần lượt rơi vào giao đoạn 2007-2008, 2010-2012, 2018-2019 và 2020-2021.
Việc VN-Index thủng mốc hỗ trợ về mặt tâm lý và kỹ thuật quan trọng 1.200 điểm khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Bởi lẽ, đây là cột mốc mà chứng khoán Việt đã dày công xây dựng và duy trì suốt một năm qua. Thị trường chứng khoán Việt Nam trước đó mất tới 11 năm để tăng trở lại mốc gần 1.200 điểm (từ năm 2007 đến 2018) và mất gần 4 năm để đạt mốc 1.500 điểm. VN-Index đang quay về vùng giao dịch năm 2007.
Tuần 9/5-15/5, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất, với ngành thép với các mã HPG giảm 14%, HSG 18%, NKG 20%, SMC 18%..., ngành hóa chất như DGC giảm 20,6%, CSV giảm 20,5%, DPM giảm 22,3%, DCM giảm 21,6%...
Nhóm dầu khí cũng giảm mạnh với các mã như OIL giảm 12,7%, BSR giảm 14%, GAS giảm 8,9%, PVD giảm 13,6%, CNG giảm 18,4%, PSH giảm 22,8%…
Nhóm cổ phiếu "vua" của thị trường là ngân hàng cũng giảm rất mạnh với VCB giảm 8,1%, CTG giảm 11,5%, BID giảm 14,1%, VPB giảm 15,1%, MBB giảm 13,9%, TCB giảm 18,6%, VPB giảm 15,1%, ACB giảm 11,3%, SHB giảm 17,4%, STB giảm 19,8%…
Đặc biệt, không chỉ về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cơ sở cũng “bốc hơi", chỉ giao dịch mỗi phiên quanh mức 15.000 tỷ đồng trên HoSE
Trong khi VN-Index tuần 9/5-13/5 mất gần 150 điểm và cá nhân trong nước đã rút ròng hơn 3.400 tỷ đồng, thì con số này phần lớn được hấp thụ bởi nhà đầu tư nước ngoài.
Khối ngoại đã mua 9.750 tỷ đồng trong khi bán ra chưa đến 8.100 tỷ đồng, đồng nghĩa giá trị mua ròng xấp xỉ 1.700 tỷ đồng. Đây cũng ghi nhận đợt mua ròng mạnh nhất trong vòng ba tuần trở lại đây của nhà đầu tư nước ngoài.
Khối ngoại mua ròng 3/5 phiên giao dịch của tuần. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND thu hút dòng tiền nhiều nhất với giá trị mua ròng xấp xỉ 650 tỷ đồng, tiếp đến là DGC, CTG VHM, NLG. Ở chiều ngược lại, khối ngoại tập trung bán mạnh những cổ phiếu vốn hoá lớn như HPG, NVL.
Chỉ số P/E (đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) với thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) của VN-Index về mức trung bình 10 năm. Đây được cho là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài tích lũy cổ phiếu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định tỉ lệ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 9,45% trong tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Điều này đồng nghĩa với mức độ tác động lên thị trường là không quá lớn. Điểm tích cực là họ đang quay dần trở lại mua ròng trên thị trường Việt Nam với bối cảnh là định giá thị trường đang rẻ như giai đoạn hiện nay.
Phái sinh tăng mạnh
Trái ngược với diễn biến của thị trường chứng khoán, trên thị trường phái sinh, giao dịch liên tục tăng mạnh suốt từ tháng 3/2022 tới nay. Giá trị giao dịch phái sinh nhiều hơn giá trị giao dịch chứng khoán.
Số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai trong tháng 4 vừa rồi đạt 4.053.391 hợp đồng, giá trị giao dịch theo danh nghĩa hợp đồng đạt 591.000 tỷ đồng. Trong đó, phiên giao dịch ngày 26/4/2022 có khối lượng giao dịch lớn nhất đạt 394.782 hợp đồng. Đây cũng là phiên có khối lượng giao dịch cao nhất kể từ đầu năm 2022.
Tính bình quân, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai trong tháng 4/2022 đạt 202.670 hợp đồng/phiên, tăng 56,68% so với tháng trước, giá trị giao dịch bình quân đạt 29.550 tỷ đồng, tăng 53,15% so với tháng trước.
Sang tới tháng 5, giá trị giao dịch phái sinh thậm chí tăng mạnh hơn nữa. Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 (⅘), giá trị giao dịch phái sinh đạt 29.782 tỷ đồng, tới phiên 9/5 đạt 45.198 tỷ đồng, và kết thúc tuần vừa rồi, giá trị giao dịch phái sinh tăng mạnh lên 55.710 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng rằng việc nhiều nhà đầu tư chuyển từ thị trường cơ sở sang thị trường phái sinh khi thị trường "hóa gấu" là chiến lược hợp lý bởi đà giảm thị trường vẫn đang duy trì. Lệnh short trên phái sinh đang mang lại hiệu quả và quản trị rủi ro giảm giá của danh mục.
Tuy nhiên, ông Minh cũng lưu ý các nhà đầu tư cần thận trọng với lệnh short giai đoạn này vì hợp đồng VN30F1M đang giảm về vùng hỗ trợ 1.198 và đang rơi vào vùng quá bán. "Quan điểm của tôi là các nhà đầu tư ngắn hạn cần nên nhanh chóng đóng lại vị thế short để tránh tình trạng thị trường có khả năng cao sẽ đảo chiều vào giai đoạn này hoặc xuất hiện các nhịp hồi mạnh", ông Minh cho hay.
"Không nên rời bỏ thị trường lúc này"
Theo ông Nguyễn Khoa Bảo, trưởng phòng đầu tư Chứng khoán VPS, nếu rời bỏ thị trường giá rẻ trong thời điểm này thì sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Theo ông Bảo, thị trường giá xuống diễn ra khi nền kinh tế gặp khó khăn, như tốc độ tăng trưởng GDP chậm, lạm phát tăng... Điều này khiến cho các doanh nghiệp chủ chốt của thị trường sụt giảm lợi nhuận. Tiền trên thị trường ít đi khiến giá càng xuống sâu hơn.
Tuy nhiên cùng nhìn lại bức tranh nền kinh tế Việt Nam tại thời điểm gần nhất (quý I năm 2022) và tương lai gần, chúng ta vẫn thấy những điểm sáng. Theo thống kê, lợi nhuận ròng quý I/2022 của các công ty niêm yết trên 3 sàn (HoSE, HNX, UPCoM) tăng 33,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức 14,4% so với cùng kỳ của quý IV/2021. GDP quý đầu năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I/2020…
Ông Bảo cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng tâm lý trầm trọng, tuy nhiên không nên vì thế mà nhà đầu tư bỏ qua việc nhìn vào những triển vọng kinh tế hiện tại và trong tương lai.
Ông Bảo cũng nhấn mạnh, việc thị trường giảm mạnh như thời gian qua sẽ xuất hiện việc bán quá đà tại những cổ phiếu cơ bản tốt. "Đây là cơ hội với những nhà đầu tư có kinh nghiệm với chiến lược trung và dài hạn", ông nói. Đặc biệt, ông Bảo lưu ý những nhà đầu tư ngắn hạn, không có áp lực về margin thì có thể tiếp tục nắm giữ danh mục, ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.
Với riêng thị trường phái sinh, ông Bảo nhận định xu hướng nhà đầu tư "chạy" sang thái sinh cũng là cách để hạn chế thua lỗ, nhưng không phải là biện pháp lâu dài. Quan trọng nhất, với tỉ lệ đòn bẩy cao như thị trường phái sinh thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn thị trường cơ sở.
"Tham gia thị trường phái sinh vẫn cần trang bị kiến thức và thời gian đủ để tích lũy kinh nghiệm, không nên chạy theo làn sóng FOMO vào phái sinh như hiện tại nếu không muốn mất cả tiền trên thị trường cơ sở lẫn phái sinh", ông Bảo lưu ý.
Trần Thu Thảo
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/6-tuan-giam-manh-cua-thi-truong-chung-khoan-viet-nam-a566011.html