Tình huống pháp lý: Tôi là người nước ngoài, đến Việt Nam bằng visa DL, sau đó tôi đã xin việc tại một doanh nghiệp Việt Nam với tư cách là lao động kỹ thuật. Sau khi ký Hợp đồng lao động, Doanh nghiệp này hứa sẽ làm Giấy phép lao động cho tôi nhưng thời gian làm Giấy phép quá lâu khiến visa DL của tôi hết hạn. Tôi bị phát hiện ở lại Việt Nam quá thời hạn visa và bị phạt 20 triệu đồng, bị buộc xuất cảnh. Tôi có thể yêu câu Doanh nghiệp nơi tôi đang làm việc bồi thường số tiền phạt này cho tôi không? Xin cảm ơn.
Trả lời:
Thứ nhất, trách nhiệm xin Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.
Theo thông tin mà bạn cung cấp, bạn không thuộc trường hợp được miễn Giấy phép lao động.
Theo Điều 151 Bộ luật Lao động 2019, một trong những điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là có giấy phép lao động. Tiếp đó, theo Khoản 2, Điều 152 Bộ luật này, Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hướng dẫn cụ thể điều khoản trên, Khoản 1, Điều 4, Nghị định 152/2020/ND-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định như sau: Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Ngoài ra, theo điểm a, Khoản 1, Điều 11 của Nghị định này, người nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài trong trường hợp người lao động là lao động kỹ thuật làm việc theo hợp đồng lao động là người sử dụng lao động.
Như vậy, Doanh nghiệp Việt Nam nơi bạn làm việc có trách nhiệm xin cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài.
Thứ hai, trách nhiệm của người nước ngoài khi hết hạn visa DL.
Theo quy định tại Điều 30, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, người nước ngoài có thể bị buộc xuất cảnh trong trường hợp hết thời hạn tạm trú nhưng không xuất cảnh. Bên cạnh đó, theo Điều 44 của luật này, người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải phù hợp với mục đích nhập cảnh.
Như vậy, bạn nhập cảnh Việt Nam với visa DL, mục đích du lịch thì khi làm việc cho Doanh nghiệp Việt Nam, bạn phải chuyển đổi mục đích visa du lịch thành visa lao động. Mặc dù Doanh nghiệp Việt Nam có sự chậm trễ trong việc xin cấp Giấy phép lao động cho bạn, nhưng việc ở lại Việt Nam quá hạn visa DL là trách nhiệm cá nhân của bạn vì không tuân thủ đúng quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, bạn buộc phải chịu trách nhiệm đối với vi phạm của mình.
Bên cạnh đó, theo Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, người nước ngoài sử dụng chứng nhận tạm trú, gia hạn tạm trú, thẻ tạm trú, không cấp đổi thẻ thường trú quá thời hạn từ dưới 16 ngày đến 90 ngày trở lên sẽ bị xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy theo số ngày sử dụng chứng nhận tạm trú quá hạn. Hành vi sử dụng chứng nhận tạm trú quá hạn còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt trục xuất.
Theo Bùi Trần Thùy Vy – Công ty Luật FDVN
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-nuoc-ngoai-het-han-dl-visa-nhung-khong-xuat-canh-bi-xu-phat-ra-sao-a566053.html