Ở Việt Nam, không hiếm người được mệnh danh là đại gia song không hề phô trương, khoe mẽ. Ngược lại, họ sống giản dị và tiết kiệm, chuyên làm việc thiện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như hai nữ đại gia “chân đất” xứ vải và nhãn dưới đây.
Nữ đại gia Bắc Giang một mình gây dựng sự nghiệp, cưu mang trẻ em nghèo
Bà Trần Thị Thủy (64 tuổi, Bắc Giang) hiện là chủ công ty chuyên về sản xuất, vận tải, thương mại và xuất nhập khẩu. Bà được nhiều người gọi bằng cái tên vô cùng trìu mến “đại gia chân đất” bởi dù là giám đốc của doanh nghiệp lớn nhưng thường xuyên đi chân đất khi làm việc.
“Tôi là con nhà nghèo lại vất vả từ bé nên quen rồi. Giờ bắt tôi thay đổi cũng không được nữa”, nữ đại gia từng giải thích về lý do đi chân đất của mình.
Bà Thủy sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em. Bà học chưa hết lớp 3 thì nghỉ học rồi bắt đầu ra xã hội lăn lộn, kiếm sống. Bà kể năm 13 tuổi đã cưới chồng rồi ba năm liền sinh ba đứa con: một đứa đẻ ngoài đường, một đứa ở chuồng lợn, một đứa ngoài ruộng.
“Năm 1980, có vụ tai nạn xảy ra gần nhà, tôi tò mò nên đến xem. Thấy hai thanh niên gặp nạn, tôi liền dìu vào nhà cứu giúp và nấu cơm, thịt gà thiết đãi họ. Sáng hôm sau, một trong hai thanh niên đó dúi cho tôi xấp tiền coi như cảm ơn song tôi từ chối.
10 ngày sau, mẹ của hai cậu ấy đến cảm ơn, tặng chăn màn, quần áo, nhu yếu phẩm và nhận tôi làm con nuôi. Sau đó bốn mẹ con tôi được mời lên nhà mẹ nuôi ở Lạng Sơn chơi”, bà Thủy nhớ lại.
Lên Lạng Sơn, bà Thủy đã theo mẹ nuôi ra chợ chơi. Bà thấy rau khoai lang họ bán 1.000 đồng/3 mớ, còn quê mình 1.000 đồng/15 mớ. Bà liền nảy ra ý định về Bắc Giang đem rau đến đây bán lấy lời. Và sau vụ mùa rau lang, bà mua được 1.5 cây vàng.
Hết rau, nữ đại gia dẫn các con ra sông mò cua hến, mua gạo, lợn mang lên Lạng Sơn buôn. Bà cứ tích cóp từng chuyến hàng một và đến năm 1990 đã có trong tay số tiền “siêu khủng” – gần 100 triệu đồng. “Buôn bán có lời, tôi muốn mua ô tô để chở hàng. Vì thế tôi đã lên Hà Nội tìm mua ô tô. Nhưng thay vì vào thẳng vấn đề, tôi lại xin làm chân quét dọn ở bãi xe để thăm dò giá cả.
Hôm đó, cửa hàng không bán được xe nào, ông chủ chỉ vào chiếc xe tải 2 tấn nói: "Ông đang ế. Mày có tiền ông bán đứt con này, đúng giá gốc 78 triệu". Tôi lập tức đưa đủ 78 triệu đồng”, bà Thủy cho hay.
Mua được xe, bà Thủy thuê tài xế rồi hàng ngày gom rau, lợn của cả làng, đánh lên Lạng Sơn. Với chuyến về, bà thu mua đồng nát chở sang Hải Dương, Bắc Ninh bán. Đặc biệt, để phụ vụ công việc làm ăn, giao thương với người Trung, bà đã tự học tiếng Trung để giao tiếp một cách lưu loát.
Trong quá trình kinh doanh, tình cờ biết một nhà máy sản xuất bình phun thuốc trừ sâu từ rác thải nhựa, bà Thủy về tâm sự với bố nuôi: “Con muốn làm một doanh nghiệp biến rác thành tiền thế này”. Sau đó bà quyết định xin vào nhà máy làm thuê để học hỏi. Tại đây bà học cách phân loại rác, cách sản xuất hạt nhựa.
Sau ba năm, khi đã nắm khá chắc kỹ thuật, bà về Hải Dương học hỏi mô hình nhà máy, vẽ lại rồi yêu cầu thợ làm. Và nhà máy đầu tiên mọc lên tại khu đầm lầy nơi mẹ con bà từng mò cua bắt ốc.
Năm 2000, công ty sản xuất bình phun thuốc trừ sâu do chồng bà Thủy làm giám đốc được thành lập. Nhưng chỉ hai năm sau, vợ chồng bà ly dị, tranh chấp sau ly hôn khiến tài sản của bà có nguy cơ mất trắng.
Vì quá uất ức, đêm 30 Tết, bà Việt thư tuyệt mệnh, trèo lên tầng 2 định nhảy xuống tự tử. Rồi bà chợt nhận ra “mình chết là mất hết” nên bừng tỉnh, quyết định “ngã ở đâu, đừng lên ở đó”. Bà lao vào kiếm tiền, gây dựng lại sự nghiệp.
Bốn năm sau, bà mở thêm công ty vận chuyển và xuất khẩu hàng nông sản. Nhà máy được xây dựng trên diện tích gần 13.000 m2, nằm ngay quốc lộ 1A (Lạng Giang- Bắc Giang) với 3 xưởng sản xuất và hơn 30 công nhân.
Bà Thủy tính toán, trong thời mở cửa và hội nhập mình không có công nghệ thì sẽ không thể cạnh tranh được. Bà chọn cách liên doanh với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc để được chuyển giao công nghệ, máy móc.
Ngoài lĩnh vực xuất khẩu nông sản và sản xuất bình phun thuốc trừ sâu, công ty của nữ đại gia còn liên kết với đối tác Hàn Quốc để sản xuất các loại linh, phụ kiện điện thoại di động.
Lợi nhuận từ công ty giúp bà Thủy có tiền xây 25 ngôi nhà đại đoàn kết, tặng hàng trăm nồi cơm điện, chăn ấm cho người nghèo bốn xã trong huyện Lạng Giang. Từ 2008 đến 2018, bà xây dựng trường mầm non chăm sóc gần 50 trẻ nghèo, là con phụ nữ đơn thân... vì nghĩ đến đàn con nheo nhóc năm xưa. Hiện nay, công ty do bà làm chủ tạo việc làm cho hơn 300 nhân công với mức lương trung bình 5-7 triệu đồng mỗi tháng.
Dịch COVID-19 bùng phát, xem TV thấy bộ đội phải ngủ lán, nằm đất, bà ủng hộ 50 tấn gạo đến một số điểm cách ly trên địa bàn 3 tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và Ninh Bình.
Đại gia chân đất xứ nhãn già vẫn cố lao động
Bà Đỗ Thị Vừng (67 tuổi, Hưng Yên) – được dân làng mệnh danh là "đại gia chân đất" của vùng Tân Châu (Khoái Châu). Bà nổi tiếng khắp tỉnh bởi nắm trong tay khối tài sản “khủng”: 10 mẫu đất trồng cây giống cho doanh thu hàng tỷ đồng; mô hình ao chuồng hiện đại; có nhiều "học trò" là tỷ phủ nhờ nghề ươm cây giống…
Bà Vừng sau khi lập gia đình đã làm đủ thứ nghề nhưng vẫn không đủ cái ăn cái mặc, thậm chí còn nợ nần. Năm 1988, bà quyết định lên Gia Lâm (Hà Nội) trồng chuối thuê cho người ta với hi vọng cuộc sống cải thiện phần nào.
Tại đây, bà tình cờ quen một người làm trong Viện Nghiên cứu Rau quả và được giới thiệu vào học kỹ thuật ươm cây giống. Bà miệt mài học tập, tiếp thu kiến thức trồng trọt rồi về quê bắt đầu "sự nghiệp" trồng cây giống.
Bà kể: "Thời điểm ấy, tôi là người tiên phong trong nghề này ở xã Tân Châu. Ban đầu tôi gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ cây giống vì không có mối đầu ra. Tôi phải chở cây đến nơi xa để bán rồi dần dần tìm được người mua buôn và bắt đầu có của ăn của để".
Khi bà Vừng có "chỗ đứng" trong xã hội, cả làng – xã – huyện đều đến xin học hỏi kinh nghiệm trồng cây giống làm giàu. Thậm chí tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các tỉnh Hà Nam, Sơn La, Phú Thọ… cũng về tìm gặp bà xin làm học trò. Bà không ngần ngại chia sẻ, tư vấn và giúp đỡ họ. Mỗi hộ lấy cây giống của bà về trồng đều được hướng dẫn chi tiết kỹ thuật trồng và giới thiệu đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, học trò của bà hầu hết thành công, sở hữu cơ ngơi hoành tráng.
"Tôi truyền kinh nghiệm làm nghề cho mọi người không vì mục đích gì cả. Tôi từng được người ta giúp đỡ nên khi có chút thành công sẽ giúp đỡ lại mọi người với hi vọng giúp họ cải thiện cuộc sống. Hiện có những người đã trở thành tỷ phú cây giống, ở nhà lầu và đi xe hơi", nữ đại gia 67 tuổi trải lòng.
Dù ở độ tuổi đã được nghỉ hưu, "tiền tiêu không hết" nhưng bà Vừng vẫn ngày ngày mặc bộ quần áo sờn cũ, đi chân đất lên vườn chăm sóc cây giống và quản lý khoảng 30 nhân công. Bà bảo mình làm ăn không hết, chết không đem theo được thì để cho con cho cháu hoặc giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.
Năm 2020, bà ủng hộ một tấn gạo cho các cụ già không nơi nương tựa, hoàn cảnh khó khăn và 600kg gạo cho 6 hội viên phụ nữ nghèo ở Tân Châu. Ngoài ra bà còn tự bỏ tiền túi làm đường bê tông, ngã tư cho bà con đi lại thuận tiện hơn.
Ngọc Hà