Án Tây: Bị vây bắt, nữ quản giáo tự sát
Đài CNN ngày 10/5 đưa tin 1 nữ quản giáo tại bang Alabama đã tự sát khi bị vây bắt lúc đang bỏ trốn cùng 1 phạm nhân, trong vụ việc gây xôn xao tại Mỹ.
Quản giáo Vicky White (56 tuổi) không qua khỏi tại bệnh viện, với vết thương tự gây ra bằng súng sau màn truy đuổi bằng xe hơi của cơ quan chức năng tại Evansville (bang Indiana).
“Casey White đã bị bắt”, theo ông Rich Singleton, cảnh sát trưởng hạt Lauderdale ở Alabama, đề cập đến phạm nhân 38 tuổi đã bỏ trốn cùng quản giáo Vicky White (56 tuổi).
Cặp đôi Vicky White và phạm nhân Casey White (38 tuổi) được cho là có quan hệ tình cảm. Xe của họ bị tai nạn sau màn truy đuổi, trước khi phạm nhân đầu hàng.
Bà Vicky White là một quản giáo với lý lịch trong sạch bị nghi đã giúp tên tội phạm Casey White thoát khỏi nơi giam giữ vào ngày 29.4 vào ngày làm việc cuối cùng trước khi về hưu.
Phạm nhân Casey White đã nhiều lần "xộ khám" và đã bị tuyên 75 năm tù giam vì nhiều tội, trong đó có bắt cóc, trộm cắp và mưu sát.
Phạm nhân này còn đối diện cáo buộc sát hại nạn nhân Connie Ridgeway trong vụ giết thuê năm 2015 và dự kiến ra tòa vào tháng tới.
Cơ quan điều tra cho hay bà Vicky White đã bán nhà vài tuần trước khi bỏ trốn và đã rút khoảng 90.000 USD tiền mặt từ một số ngân hàng trong khu vực. Cơ quan chức năng khi truy lùng cho biết bà Vicky White đã nhuộm tóc đen và thấp hơn phạm nhân Casey White đến 30 cm.
Luật Ta:
Tội Trốn khỏi nơi giam, giữ
Với việc trốn khỏi nơi giam giữ, nếu chiếu theo quy định của pháp luật hình sự của nước CHXNCN Việt Nam, nam phạm nhân đã phạm tội Trốn khỏi nơi giam, giữ được quy định tại Điều 386 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trốn khỏi nơi giam giữ là hành vi nguy hiểm cho trật tự an toàn xã hội; trật an sinh an toàn của người dân; Đó là bởi hành vi được thực hiện bởi những người đang chấp hành hình phạt, là những người có thể chưa có sự biến cải, ăn năn hối cải.
Cần phân biệt trốn khỏi nơi giam giữ với trốn khỏi nơi cách ly. Trốn khỏi nơi giam, giữ được hiểu là hành vi của người đang bị giam, giữ đã dùng mọi thủ đoạn để thoát khỏi sự quản lý, giám sát của người có trách nhiệm một cách trái phép.
Người bị giam, giữ, là người đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc đang bị giam để chấp hành hình phạt ở các trại giam, trại lao động, cải tạo.
Nơi giam, giữ có thể là nhà tạm giữ, trại giam, trại lao động cải tạo phạm nhân.
Các thủ đoạn được thực hiện có thể là lợi dụng sự sơ hở của người canh gác, quản lý, dẫn giải rồi lén lút trốn khỏi nơi giam, giữ, trên đường bị dẫn giải hoặc bỏ trốn tại phiên tòa xét xử; lừa dối người canh gác, dẫn giải (như giả vờ đau bụng xin người dẫn giải cho đi tiểu sau đó bỏ trốn…) hoặc dùng vũ lực làm tê liệt sự kháng cự của người canh gác, dẫn giải để bỏ trốn.
Về hình phạt, khoản 1 Điều 386 quy định: Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3-10 năm.
Trong khi bị vây bắt, nữ quản giáo đã tự sát. Nếu không tự sát, bà này phải đối mặt với tội danh Thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn theo quy định tại Điều 376 BLHS.
Thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn được hiểu là hành vi của người trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về quản lý, canh gác, dẫn giải để cho người bị giam giữ trốn thoát.
Mặt khách quan của tội này là có hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng với những quy định về quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ như không điểm danh phạm nhân khi phạm nhân vào buồng giam; cho phạm nhân ra khỏi buồng giam không được phép của giám thị, khi dẫn giải bị cáo không giám sát chặt chẽ; bỏ vị trí gác ở trại giam đi chơi… dẫn đến người bị giam giữ trốn khỏi nơi giam giữ hoặc trốn thoát khi đang bị dẫn giải.
Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Việc gây hậu quả nghiêm trọng có thể là do để người bị giam giữ trốn đã gây ra tình trạng nhiều người bị giam, giữ bắt trước trốn theo, làm cho việc điều tra, truy tố. xét xử bị trì hoãn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.
Hành vi của nữ quản giáo đã xâm phạm đến chế độ giam giữ, dẫn giải và xâm phạm đến hoạt động bình thường của cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ.
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt. Đó là những người được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ như: giám thị, phó giám thị trưởng nhà tạm giữ, phó nhà tạm giữ, cán bộ quản giáo, sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang.
Về hình phạt, mức hình phạt đối với tội này được chia thành 3 khung: Khung một có hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với các trường hợp: Làm vụ án bị tạm đình chỉ; Người bỏ trốn trả thù người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng; Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 02 năm đến 07 năm: Để người thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng bỏ trốn; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Nghiêm trọng hơn, nếu để người thực hiện tội phạm đặc biệt nghiêm trọng bỏ trốn, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ánh Dương (thực hiện)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/an-tay-luat-ta-nu-quan-giao-bo-tron-cung-pham-nhan-a566488.html