Tri thức trực tuyến dẫn báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, trong tuần 20 (từ 13/5 đến 19/5), thành phố có 943 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 596 ca nội trú và 347 ca ngoại trú), tăng 19,7% so với trung bình 4 tuần trước (788 ca). Như vậy, trung bình mỗi ngày, thành phố lại có thêm 134-135 người mắc bệnh.
Tổng số ca mắc bệnh từ đầu năm đến nay là 8.481 ca, tăng 28% với cùng kỳ năm 2021 (6.639). Đáng chú ý, số ca sốt xuất huyết nặng là 175, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 (26 ca). Số tử vong tích lũy đến tuần 20 là 7 ca, tăng 5 ca so với cùng kỳ năm 2021.
Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Tân Thới Hiệp, Thạnh Xuân (quận 12); phường Phú Thạnh, Sơn Kỳ (Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn).
Trong tuần 20, toàn thành phố ghi nhận 79 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 51 phường, xã thuộc 17/22 quận huyện, TP Thủ Đức. Số ổ dịch tích luỹ đến tuần 20 là 446.
HCDC cho biết ngành y tế đã xử lý phun hoá chất, diệt lăng quăng tại các ổ dịch, nhiều điểm nguy cơ.
Số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn TP.HCM cũng tăng khá cao, khoảng 882 ca được ghi nhận, tăng 137,1% so với trung bình 4 tuần trước (372 ca). TP.HCM không ghi nhận ca tử vong do bệnh tay chân miệng.
Những phường xã có số ca bệnh tay chân miệng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A (Bình Tân); phường Tân Thành (Tân Phú); xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè); phường Thạnh Mỹ Lợi (Khu vực 1 - TP Thủ Đức); phường Phước Long B (Khu vực 2 - TP Thủ Đức ).
Trong diễn biến khác, bộ Y tế vừa có Quyết định số 1172/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh sán lá gan nhỏ.
Theo đó, bệnh sán lá gan nhỏ là bệnh ký sinh trùng do sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật trong gan gây nên tổn thương đường mật, túi mật và các cơ quan khác với các bệnh lý tùy theo mức độ nhiễm, thời gian nhiễm.
Người nhiễm sán lá gan nhỏ khi ăn các thức ăn từ cá chưa được nấu chín có ấu trùng sán lá gan nhỏ còn hoạt động như gỏi cá, lẩu cá, cá muối, cá ngâm giấm, cá khô, cá hun khói...
Tuỳ thuộc vào thời gian mắc bệnh và cường độ nhiễm cũng như các yếu tố ảnh hưởng mà các biểu hiện lâm sàng điển hình hay không điển hình.
Đa số trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng lâm sàng hoặc có một số triệu chứng như:
1- Rối loạn tiêu hóa: phân sống, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch, ăn nhiều mỡ đau tăng lên.
2- Mệt mỏi, chán ăn, gầy sút.
3- Đau tức hạ sườn phải và vùng gan, xuất hiện khi lao động nặng, đi lại hoặc khi sức khỏe giảm sút. Đôi khi có cơn đau gan điển hình và kèm theo vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp bị sạm da.
4- Gan có thể sưng to dưới bờ sườn, mềm, mặt nhẵn và tiến triển chậm, lúc này có thể đau điểm túi mật.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh sán lá gan nhỏ có các thể nhẹ, thể trung bình và thể nặng.
Đối với thể nhẹ, giai đoạn đầu, đa số không có triệu chứng điển hình, đôi khi có rối loạn tiêu hoá.
Đối với thể trung bình, tương ứng giai đoạn toàn phát người bệnh xuất hiện các triệu chứng sau:
Toàn thân: Mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, giảm cân.
Đau bụng: Thường đau ở vùng thượng vị, hạ sườn phải hoặc cả hai, đau tăng khi lao động nặng, đi lại, có thể có cơn đau gan điển hình, đau bụng có thể kèm theo tiêu chảy.
Rối loạn tiêu hóa: Phân sống, đầy bụng, khó tiêu, ậm ạch.
Vàng da, nước tiểu vàng, xuất hiện từng đợt, một số trường hợp có xạm da. Khám gan to dưới bờ sườn, ấn mềm, lúc này có thể có điểm đau túi mật.
Đối với thể nặng, giai đoạn cuối bệnh nhân càng ăn kém, gầy yếu, sụt cân, giảm sức lao động. Phần lớn người bị bệnh sán lá gan có xơ gan ở nhiều mức độ khác nhau do sán kích thích tăng sinh tổ chức xơ lan toả, đường mật dày lên, kém đàn hồi, có thể bị tắc.'
Những trường hợp không điều trị có thể dẫn đến xơ gan, cổ trướng và bệnh có liên quan đến ung thư biểu mô đường mật gây tử vong.
Cự Giải (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tphcm-ghi-nhan-943-ca-mac-sot-xuat-huyet-trong-vong-7-ngay-a566553.html