Bên hành lang Quốc hội sáng 27/5, ĐBQH Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khóa XV đã có những chia sẻ với Người Đưa Tin (NĐT) về giá sách giáo khoa.
NĐT: Thưa đại biểu, tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn có giải thích về tình trạng sách giáo khoa mới có giá cao gấp 2-3 lần sách cũ. Bộ trưởng có nói sách mới được biên soạn với khổ lớn, giấy tốt hơn nên có giá cao hơn. Đại biểu có quan điểm như thế nào trước câu trả lời của người đứng đầu ngành giáo dục?
ĐBQH Phan Viết Lượng: Theo tôi, lời giải thích của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn như vậy là đúng. Thực ra, vật liệu tốt, chất liệu tốt, đầu tư công phu thì rõ ràng giá thành cao.
Nhưng, vấn đề đặt ra là tuổi thọ của sản phẩm SGK được sử dụng ngắn hạn hay dài hạn thì phải lựa chọn vật liệu cho phù hợp. Nếu sử dụng nhiều năm thì chất lượng phải tốt, còn sử dụng trong thời gian ngắn.
Thêm nữa, đối tượng sử dụng cũng phải tính đến vật liệu thế nào để đảm bảo giá cả, đồng thời ý kiến của Bộ trưởng giải thích xuất phát từ ý kiến băn khoăn về giá sách giáo khoa hiện nay.
Vì vậy, điều cốt lõi vẫn là làm thế nào đó để Nhà nước phải quản lý giá thật chặt chẽ, định giá thậm chí phải hỗ trợ giá, đảm bảo công khai minh bạch về giá đó. Đảm bảo ở đây tức là một dịch vụ thiết yếu cần phải có quản lý, giá cả phải hợp lý, không thể chỉ vì lợi nhuận của một ai đó mà nâng giá sách giáo khoa lên.
NĐT: Với những sản phẩm sách chỉ sử dụng một lần như thế có nhất thiết phải khổ to, giấy đẹp hay không, nhất là đặt trong bối cảnh thực tế hiện nay khi mà lạm phát đang tăng cao, thưa ông?
ĐBQH Phan Viết Lượng: Vật liệu, chất liệu để làm nên các sản phẩm bao giờ cũng tính là sản phẩm đó sử dụng trong bao lâu, ai sử dụng, điều đó là quan trọng để tính giá cả cho phù hợp.
Việc lý giải sách cứng, bìa đẹp… là đúng! Nhưng, vấn đề cần quan tâm là có phù hợp với phù hợp với người sử dụng, phù hợp với điều kiện giáo dục của nước ta hiện nay hay không và tuổi thọ của sản phẩm đó như thế nào.
Tôi cho rằng, với giáo dục, không nhất thiết phải đẹp hình thức mà cần chú trọng về nội dung, giá trị sử dụng. Tất cả đều cần phải tính toán cho thật phù hợp.
NĐT: Như ông nói, giá sách giáo khoa không nên nặng về hình thức. Các đại biểu cũng có ý kiến về việc sách giáo khoa giá cao sẽ tác động rất lớn đến học sinh vùng dân tộc thiểu số, ông nghĩ như thế nào?
ĐBQH Phan Viết Lượng: Tất nhiên là với giá cả nào thì đa số phụ huynh đều có thể mua được sách cho con em của mình. Nhưng với nhóm thiểu số là con em nghèo, vùng dân tộc thiểu số thì việc thực hành tiết kiệm phải được đặt lên hàng đầu. Nên giá sách cao thì họ khó mua được.
Trên thị trường hàng hóa giá cao, đắt quá thì người tiêu dùng sẽ không mua. Nhưng trong giáo dục việc mua sản phẩm sách giáo khoa là bắt buộc nên phải hết sức thận trọng.
NĐT: Ông đánh giá thế nào về việc quản lý sách giáo khoa từ trước đến nay, liệu quản lý đã tốt hay chưa?
ĐBQH Phan Viết Lượng: Cũng đã có giám sát và cũng có băn khoăn về giá cả, cũng thừa nhận giá cao, Bộ Tài chính cũng tham mưu cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào cơ quan có thẩm quyền như cơ quan Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để xem xét, điều chỉnh để quản lý.
Đồng thời, các cơ quan cũng mong muốn Bộ Tài chính – cơ quan chuyên quản lý Nhà nước chuyên ngành này cần tăng cường, giám sát kỹ hơn giá sách giáo khoa nói riêng, cũng như các giá cả thiết yếu khác đặc biệt trong giáo dục và y tế.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã nói vậy thì cũng đã nhìn nhận ra vấn đề. Cho nên, tôi cho rằng cần rà soát, đánh giá lại và cần phải giải quyết ngay vấn đề quản lý Nhà nước về giá sách, trả lời sớm cho dư luận.
NĐT: Xin cảm ơn chia sẻ của đại biểu!
Chiều 26/5, thông tin tới Người Đưa Tin, Bộ GD&ĐT cho biết đã kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá để trình Quốc hội quyết định.
Theo quy định tại Luật Giá năm 2012, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai.
Hiện có 7 nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa (trong đó có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam). Theo Bộ Giáo dục, việc các nhà xuất bản kê khai giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau. Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân ở vùng khó khăn.
Điều này dẫn đến tình trạng đầu mỗi năm học, phụ huynh lại phản ứng về chi phí mua sách cho con. Năm nay, thông tin bộ sách giáo khoa lớp 3, 7 và 10 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cao gấp 2-3 lần so với giá sách hiện hành đã tạo tâm lý bất ổn cho nhiều người.
Vì vậy, Bộ Giáo dục cho rằng Nhà nước cần có "giải pháp cấp bách để điều tiết giá" thông qua cơ chế đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hoá do Nhà nước định giá.
Khi đó, Nhà nước quy định mức trần giá sách giáo khoa trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí tiêu chuẩn bộ sách và đơn giá hiện hành để đảm bảo các Nhà xuất bản vẫn bù đắp được chi phí, có lợi nhuận hợp lý và giá sách phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích tình trạng sách giáo khoa mới có giá cao gấp 2-3 lần sách cũ. Theo ông, sách mới được biên soạn với khổ lớn, giấy tốt hơn. Quy trình từ biên soạn đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành đều do các doanh nghiệp đảm nhiệm, sau đó kê khai giá với Bộ Tài chính.
Hoàng Bích - Thu Huyền
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tang-gia-sgk-giai-thich-cua-bo-truong-nguyen-kim-son-nhu-vay-la-dung-a566826.html