Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, tránh “cộng dồn thành tích”

Bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có nhiều điểm mới, trong đó đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, sáng 27/5, Quốc hội nghe và thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, việc bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" còn có 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang"; Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" trong dự thảo Luật.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đồng thời, để thực hiện Kết luận của Ban Bí thư và Kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc như thể hiện tại khoản 2 Điều 96, là bổ sung hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" trong dự thảo Luật.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ lưu ý rà soát đối tượng Thanh niên xung phong thời kỳ bảo vệ Tổ quốc, quy định chặt chẽ để bảo đảm ý nghĩa của hình thức khen thưởng này khi thực hiện nhiệm vụ được giao tại khoản 3 của Điều 96.

Tiêu điểm - Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, tránh “cộng dồn thành tích”

 Quốc hội nghe và thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sáng 27/5.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết thêm, một số đại biểu cho rằng, quy định tiêu chuẩn khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" cần "có thời gian tại ngũ 2 năm trở lên" tại khoản 2 là chưa phù hợp, cần có sự linh hoạt hơn, đề nghị điều chỉnh tiêu chuẩn là từ 1 năm trở lên.

Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên tiêu chuẩn 2 năm trở lên, để thể hiện rõ mức độ tôn vinh của hình thức khen thưởng này. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu đề nghị đối với trường hợp hy sinh thì không cần quy định là 1 năm trở lên.

Theo đó, dự thảo Luật quy định theo hướng "Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ thì được truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".

Về đề xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng (Điều 93), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng.

Theo đó, các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

Ngoài ra, theo bà Thúy Anh, dự thảo Luật cũng có nhiều điểm mới như: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; Thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng "cộng dồn thành tích" trước đây.

Đồng thời, đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua; Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thanh-tich-den-dau-khen-thuong-den-do-tranh-cong-don-thanh-tich-a566827.html