Bắt khẩn cấp kẻ cầm đầu đường dây “tín dụng đen”
Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, các Phòng nghiệp vụ của CATP vừa triệt phá đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia.
Qua đấu tranh, khai thác, chân dung kẻ cầm đầu đường dây này dần lộ diện. Cơ quan công an xác định là người điều hành chính hệ thống cho vay, đòi nợ tại Việt Nam là Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, trú tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội).
Bên cạnh đó, cơ quan CSĐT xác định đối tượng quản lý phụ trách toàn bộ hệ thống đòi nợ tại Việt Nam là Zhang Min (Mẫn), SN 1986, người Trung Quốc. Nhiệm vụ của Mẫn là chịu trách nhiệm quản lý, đốc thúc các trưởng bộ phận đòi nợ của khách hàng.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu Nguyễn Quang Vũ khai ra đối tượng cầm đầu hệ thống này là người Trung Quốc. Vũ sẽ được ủy quyền, chịu trách nhiệm ký các giấy tờ liên quan đến ngân hàng, hợp đồng với khách hàng được công ty nhận đòi nợ thuê khi đối tượng người Trung Quốc không có mặt.
Chính bởi điều hành cả một đường dây “tín dụng đen” với quy mô lớn, Vũ được công ty trả số tiền lương khá cao - 44 triệu đồng/tháng.
Theo lời khai của đối tượng Vũ, để hợp thức hóa việc cho vay lãi nặng và đòi nợ, các đối tượng thành lập công ty cầm đồ, lập 3 app vay là “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay”.
Gần 300 đối tượng liên quan trong đường dây tổ chức cho vay lại nặng qua các app “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay” trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, đã có gần 1 triệu tài khoản vay qua các app của đường dây này và số tiền chúng giải ngân cho vay khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Cho đến khi bị đánh sập, đường dây cho vay lãi nặng và đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen” này ước tính đã thu lợi nhuận bất chính khoảng gần 500 tỷ đồng.
Phân cấp đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”
Để có được số lượng khách hàng dồi dào, các đối tượng chạy quảng cáo trên mạng xã hội và thẩm định hồ sơ khách hàng. Khách được coi là uy tín thường làm công việc cố định, danh bạ điện thoại là những người cũng có nhân thân rõ ràng.
Về phía tổ chức “tín dụng đen”, nhân viên của công ty được tuyển chọn cũng chia làm hai loại: Loại 1 là nhân viên hành chính các bộ phận như kế toán, nhân sự, phát triển thị trường. Những người này yêu cầu về trình độ học vấn cao.
Còn loại 2 là những nhân viên bộ phận truy thu, thường là các đối tượng có tiền án tiền sự, nhân thân xấu, thậm chí là thành phần xã hội cộm cán, giang hồ, hoặc có kinh nghiệm trong việc đòi nợ thuê.
Tất nhiên, nhiệm vụ của các đối tượng được phân cấp loại 2 chỉ đơn giả là đi truy thu, đòi nợ. Để việc đòi nợ hiệu quả, các đối tượng không từ bất cứ thủ đoạn hay “đòn bẩn” nào.
Theo đó, không chỉ đe dọa, khủng bố, tấn công con nợ, các đối tượng phụ trách truy thu được phân cấp từ M0 - M3 thậm chí cắt ghép ảnh “nóng” của khách hàng và bạn bè, người thân của họ, tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo áp lực.
“1001” cách đòi nợ, gây áp chế lên cả người không vay tiền
Thủ tục cho vay dễ dàng bao nhiêu, đến khi đòi nợ, các đối tượng không từ thủ đoạn nào. Thực tế cho thấy, nhiều người dù không hề vay tiền, dính dáng gì tới “tín dụng đen” nhưng vẫn bị những đối tượng lạ mặt gọi điện, đe dọa, khủng bố tinh thần chỉ đơn giản là họ có tên trong danh bạ điện thoại của người vay tiền những tổ chức như thế này.
Nhiều vụ việc nạn nhân không vay tiền, nhưng bị tung ảnh lên mạng Internet nhằm khủng bố tinh thần, buộc bản thân những người này phải thúc giục con nợ của chúng trả tiền để được… yên thân.
Anh Đ.Q, SN 1991, trú tại quận Cầu Giấy cho biết, bản thân chưa từng vay qua bất kỳ app nào, nhưng rất bất ngờ khi bị đòi nợ.
“Tôi không hiểu sao các đối tượng có đầy đủ thông tin cá nhân của tôi. Tôi cam kết là không vay nhưng chúng vẫn tiếp tục “nã” điện thoại chửi bới đe dọa”. “Các đối tượng này dùng sim “rác” để gọi và chỉ dùng 1 lần, sau đó lại dùng số điện thoại khác nên dù có chặn thì cũng… không ăn thua”, anh Q. bức xúc.
Cũng theo chia sẻ của anh Đ.Q, khi anh này kiên quyết nói không liên quan đến chuyện vay nợ qua app, thì các đối tượng lập tức chuyển sang “khủng bố” bạn bè, người thân của con nợ bằng cách nhắn tin, gọi điện đe dọa, hoặc truy cập vào Facebook của họ để chửi bới. Thậm chí, chúng còn cắt, ghép ảnh đăng lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự con nợ, hoặc người thân, bạn bè của con nợ, gây áp lực trực tiếp để đòi tiền.
Chị Nguyễn Thị T., trú tại tỉnh Phú Thọ cũng từng là nạn nhân của vụ bôi nhọ danh dự trên. Dù chị T. không phải là người vay tiền, nhưng bỗng nhiên một ngày, hình ảnh của chị T. kèm những thông tin liên quan đến cơ quan làm việc xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Qua tìm hiểu được biết, một người bạn của chị T. vay tiền qua app nhưng không trả được, các đối tượng liền tìm đến chị T. và rất nhiều người thân của con nợ tấn công, khủng bố, đe dọa. Bản thân chị T. còn bị chúng dọa sẽ gửi các giấy tờ đến nơi làm việc, khiến chị T. suy sụp tinh thần phải tìm đến cơ quan công an trình báo.
Đối với trường hợp khách hàng không trả được, công ty “tín dụng đen” sẽ phân cấp đòi nợ từ M0-M3, chia rõ nhiệm vụ cho từng cấp. Tuy nhiên, đó chỉ là hình thức, giấy tờ và văn bản. Trên thực tế, những đối tượng đứng đầu sẽ giao cho cấp dưới đòi nợ theo kiểu “muốn làm gì thì làm”, miễn làm sao thu được tiền về, có doanh thu là có thưởng.
Vì vậy, các đối tượng cấp dưới phụ trách truy thu sẽ tìm đủ thủ đoạn để “tấn công” con nợ cũng như bạn bè, người thân của họ…
Với quyết tâm đẩy lùi tội phạm, trả lại bình yên cho xã hội và người dân, Cơ quan CSĐT - CATP Hà Nội đã thực hiện Lệnh bắt khẩn cấp đối 21 đối tượng (tính đến thời điểm hiện tại), trong đó có 5 đối tượng bị bắt về 2 hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Cưỡng đoạt tài sản”, 16 đối tượng bị bắt về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Tư Viễn
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lo-dien-nu-qua-cam-dau-duong-day-tin-dung-den-va-1001-don-ban-de-doi-no-a566934.html