Kết hôn khi chưa đủ tuổi, bị phạt bao nhiêu tiền?

Kết hôn khi chưa đủ tuổi có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP về hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn.

Theo luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng (Đoàn luật sư Hà Nội), Khoản 8, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.

Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:

- Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

- Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.

ket hon khi chua du tuoi bi phat bao nhieu tien

Hình minh họa.

Do đây là hành vi vi phạm pháp luật nên khi kết hôn với người chưa đủ tuổi sẽ đối mặt với những hậu quả dưới đây:

- Không được pháp luật thừa nhận quan hệ vợ chồng: Bởi chỉ khi đáp ứng các điều kiện đăng ký kết hôn tại Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như phải đăng ký hợp pháp tại cơ quan có thẩm quyền thì quan hệ vợ chồng mới hình thành và được Nhà nước bảo vệ.

Do tảo hôn là hành vi vi phạm nên quan hệ vợ chồng trong trường hợp này không được pháp luật thừa nhận, bảo vệ.

Tuy nhiên, căn cứ khoản 2, Điều 11, luật Hôn nhân và Gia đình, nếu tại thời điểm giải quyết yêu cầu huỷ kết hôn trái luật mà nam, nữ đã đủ tuổi và yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Toà án sẽ công nhận quan hệ hôn nhân này hợp pháp.

- Cơ quan có thẩm quyền từ chối đăng ký kết hôn: Để được đăng ký kết hôn theo thủ tục hợp pháp, hai bên nam nữ phải đáp ứng điều kiện đăng ký kết hôn, trong đó có điều kiện về độ tuổi. Do trường hợp tảo hôn vi phạm điều kiện về độ tuổi nên cơ quan có thẩm quyền sẽ từ chối thực hiện đăng ký kết hôn cho nam, nữ.

- Chỉ được xem là quan hệ nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng: Do đó, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng không tồn tại. Kéo theo đó, nếu trong thời gian chung sống có tài sản chung, nghĩa vụ... thì sẽ giải quyết theo thoả thuận. Nếu không có thoả thuận thì thực tế rất khó để đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho các bên.

Đặc biệt, do không phải là vợ chồng nên nếu một trong hai bên ngoại tình hoặc có lỗi thì người còn lại cũng rất khó được bảo đảm quyền, lợi ích của mình...

Việt Hương (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ket-hon-khi-chua-du-tuoi-bi-phat-bao-nhieu-tien-a566946.html