Trách nhiệm thuộc về ai?
Thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành sáng 30/5, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, quy hoạch là công cụ để các cấp, các ngành chỉ đạo thực hiện cụ thể hóa mục tiêu phát triển và phân bổ các nguồn lực; sắp xếp không gian phát triển nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là căn cứ để xây dựng và thực hiện các chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và các dự án đầu tư.
Quy hoạch phải đi trước một bước, sát với thực tế, khả thi, phát huy tiềm năng, thế mạnh của khu vực, của lĩnh vực cần quy hoạch và tiềm năng quốc gia.
Tuy nhiên, theo đại biểu, sau hơn 3 năm thực hiện triển khai Luật Quy hoạch, qua giám sát đánh giá thì những nội dung được quy định trong Luật Quy hoạch chưa thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, chưa tạo điều kiện cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí còn có mặt kìm hãm sự phát triển vì chưa thu hút, phát huy các nguồn lực.
Thống nhất với nội dung Báo cáo của Quốc hội về kết quả giám sát của Đoàn giám sát tối cao, nhất là những nội dung đánh giá về những mặt đạt được, những mặt chưa được, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá thật cụ thể những tác động tiêu cực đối với những tồn tại, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực cho đến nay, nhất là vấn đề thu hút đầu tư.
“Một thực tế là công tác quy hoạch triển khai rất chậm. Theo như báo cáo, hiện tại chỉ có 7/111 quy hoạch được phê duyệt. Như một số đại biểu đã nêu, chưa có quy hoạch thì biết đầu tư ở đâu. Như vậy, có phải chúng ta chưa phát huy hết các nguồn lực xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội và trách nhiệm cụ thể thuộc về ai?”, đại biểu đoàn Bình Thuận nêu câu hỏi.
Thêm một vấn đề được đại biểu Thông nêu ra đó là vấn đề quy hoạch treo, dự án treo. Theo ông, quy hoạch treo là tình trạng diện tích đất đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền quy hoạch trong kế hoạch sử dụng đất cho một hay nhiều mục đích khác nhau, đã công bố và sẽ thu hồi đất nhưng không thực hiện đúng tiến độ kế hoạch.
“Luật Đất đai hiện tại không nêu rõ dự án treo, quy hoạch treo trong thời gian bao lâu sẽ bị hủy, đây là một nội dung gây bức xúc trong nhân dân và nhất là người dân nằm trong vùng dự án treo, quy hoạch treo. Vấn đề này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, vừa giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền”, đại biểu Thông nhấn mạnh.
Từ đó, vị đại biểu kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian 3 năm hoặc 5 năm nếu không thực hiện thì các quy hoạch treo, dự án treo sẽ hết hiệu lực và có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra.
Không thể để tình trạng loạn quy hoạch
Trong khi đó, là đại biểu trực tiếp nghiên cứu, thảo luận và tham gia biểu quyết ban hành Luật Quy hoạch năm 2017, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng đây là một chuyên đề giám sát mang tính thời sự rất cao.
Nữ đại biểu đặt ra câu hỏi: “Vấn đề đặt ra là tại sao việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực còn chậm và còn nhiều vướng mắc? Hay nói cách khác tại sao công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch lại chậm và có nhiều vướng mắc như vậy?”.
Từ đó, đại biểu cho rằng không trả lời được câu hỏi này thì mọi giải đáp đều không căn cơ, đều nửa vời, thậm chí có thể phát sinh thêm những vướng mắc mới.
“Chúng ta đều thống nhất rằng, đối với công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch là đúng đắn và rất cần thiết, khách quan, không thể để tình trạng loạn quy hoạch. Vấn đề ở chỗ, đổi mới công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch theo phương pháp luận khoa học nào, đổi mới trên kinh nghiệm thực tiễn nào và đổi mới theo cơ sở pháp lý nào?”, đại biểu Xuân nói.
Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nên tiếp tục nghiên cứu vấn đề này ở cả 3 cấp độ: Về lý luận, phương pháp luận khoa học, thực tiễn và pháp lý để có những luận cứ đề xuất sửa đổi Luật Quy hoạch một cách khoa học, đầy đủ và phù hợp với thực tiễn.
Đặt vấn đề tại sao công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch lại chậm và có nhiều vướng mắc như vậy, đại biểu bày tỏ băn khoăn, với tư cách là công trình nghiên cứu khoa học, phạm vi và đối tượng nghiên cứu, mục tiêu và nội dung nghiên cứu lập quy hoạch 2017 mang tính tích hợp này là gì?
Bên cạnh đó, phương tiện nghiên cứu, kết quả và sản phẩm nghiên cứu sẽ thể hiện ra sao? Liệu có thể tích hợp các dữ liệu trong các đối tượng quy hoạch? Việc thực hiện lập quy hoạch tích hợp được thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm nào trên thế giới và Việt Nam đã có tổ chức nào công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về quy trình, quy phạm, loại quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch chưa?
Liệu Chính phủ có nên xây dựng và công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho quy hoạch theo Luật Quy hoạch hay không? Nguồn nhân lực để lập các loại quy hoạch này? Đã có trường nào đào tạo chuyên môn về quy hoạch tích hợp?
Đại biểu nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn về mặt khoa học, đề nghị Chính phủ cần có lời giải tường minh cụ thể. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu và tiến tới sửa đổi Luật Quy hoạch và các luật có liên quan càng sớm càng tốt để công tác quy hoạch được triển khai tốt nhất.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/quy-hoach-treo-du-an-treo-treo-den-khi-nao-a567016.html