Giá xăng dầu liên tục tăng, ĐBQH cảnh báo nguy cơ “domino”

Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại giá xăng tăng quá cao gây tác động lên lạm phát, đề nghị xem xét tiếp tục hạ thuế phí để hạ nhiệt thị trường này.

Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15h ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng một lít, ở mức 31.570 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng tăng thêm 600 đồng, lên mức 30.230 đồng một lít.

Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 25.340 đồng một lít, tăng 940 đồng. Dầu diesel lên 26.390 đồng một lít, tăng 840 đồng. Dầu mazut là 20.900 đồng một kg, tăng 310 đồng.

Đây lần tăng giá thứ 5 kể từ 21/4 đến nay. Tổng cộng giá xăng RON 95 đắt thêm 4.260 đồng một lít, E5 RON 92 cũng tăng thêm 3.760 đồng một lít.

Ở kỳ này, cơ quan điều hành cũng chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu ở mức 500 đồng mỗi lít với xăng RON 95, 100 đồng với E5 RON 92. Riêng các mặt hàng dầu sẽ ngừng chi từ Quỹ bình ổn.

Giá xăng dầu tăng mạnh cũng đã làm “nóng” hội trường Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 1/6.

Là đại biểu Quốc hội kiên trì với mục tiêu cần phải giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và cần giảm sâu hơn nữa thuế BVMT với mặt hàng xăng dầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp.HCM) nói rằng, đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao.

Bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, tác động không thuận lợi cho những quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam.

Theo đại biểu, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài cùng với các chính sách cấm vận của Nga từ Hoa Kỳ, châu Âu đã làm gia tăng khủng hoảng năng lượng, xăng dầu, khí đốt, khủng hoảng nhân đạo và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, gây áp lực đến lạm phát toàn thế giới và nhiều quốc gia.

“Cho đến giờ phút này, các quốc gia lớn đã thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất điều hành, làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 từ 4,4% xuống còn 3,6%", ông nói.

Kinh tế vĩ mô - Giá xăng dầu liên tục tăng, ĐBQH cảnh báo nguy cơ “domino”

Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với giá xăng dầu.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, để đạt mục tiêu kinh tế nước ta tăng trưởng 6 - 6,5%, kiểm soát lạm phát 4% trong năm nay, đại biểu đoàn Tp.HCM đề nghị trước mắt, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

“Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng. Trong đó, mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu, vì để giá xăng dầu tăng cao sẽ dẫn đến “domino” các mặt hàng giá cả khác”, đại biểu Ngân nhấn mạnh.

Vị đại biểu đoàn Tp.HCM cũng cho rằng, cần hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi "té nước theo mưa" và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cũng nhấn mạnh rằng giá tăng cao kỷ lục như thời gian qua thì cả người dân, nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Mục tiêu kiểm soát lạm phát rất khó khăn.

Do vậy, làm thế nào kiểm soát, hạn chế giá xăng tăng cao để ổn định đời sống người dân và thực hiện vai trò điều hành vĩ mô của Nhà nước, ông Cường cho rằng, dư địa giảm giá vẫn còn. “Chúng ta nhập khẩu vào cao thì đội giá trong nước, chỉ còn cách cắt bớt thuế phí”, ông Cường đề xuất.

Kinh tế vĩ mô - Giá xăng dầu liên tục tăng, ĐBQH cảnh báo nguy cơ “domino” (Hình 2).

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh rằng giá tăng cao thì cả người dân, nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng nặng nề.

Cũng theo đại biểu này, việc giảm thuế sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng vẫn phải chấp nhận, để đem lại ý nghĩa cao hơn.

Nói về việc tiếp tục hạ thuế bảo vệ môi trường hay giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Cường nói rằng, cơ sở tính thuế của hai loại thuế này khác nhau, mức giảm từ đó khác nhau, do vậy cần được tính toán cân nhắc.

Tuy nhiên, ông Cường lưu ý, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cần được tính toán làm sao để vẫn đánh vào hành vi người dùng, bởi xăng sinh học và xăng khoáng có mức đánh thuế khác nhau.

Trong bối cảnh hiện nay, ngoài vấn đề về điều hành giá cả, đại biểu Quốc hội cũng lưu ý đến yếu tố nguồn cung. "Tôi cho rằng nguồn cung là quan trọng nhất, làm sao để không quá bị biến động", ông Cường nhấn mạnh.

Nguồn cung ở đây có hai nguồn cần được tính đến đó là nguồn nhập khẩu và nội địa, theo đại biểu. Việt Nam vốn cũng có nhà máy lọc hóa dầu, trong lúc giá dầu tăng cao như vậy cần hoạt động hết công suất, tăng hiệu quả khai thác dầu và chủ động nguồn cung.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gia-xang-dau-lien-tuc-tang-dbqh-canh-bao-nguy-co-domino-a567184.html