Tại buổi họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế xã hội TP.HCM chiều 2/6, đại diện Công an Tp.HCM đã trả lời câu hỏi về tình trạng người dân bị các đối tượng xấu đánh cắp thông tin hoặc giả thông tin cá nhân để trục lợi bằng nhiều hình thức, tạo tài khoản ngân hàng giả để vay tiền qua app tín dụng.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an Tp.HCM cho biết, có 3 nguyên nhân chính khiến người dân lộ thông tin cá nhân.
Thứ nhất, công tác phòng ngừa, đảm bảo an toàn thông tin của một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, đối tượng phạm tội có thể đăng nhập, phát tán các mã độc, trộm cắp thông tin với số lượng lớn.
Thứ hai, tình trạng rao bán trên mạng các thông tin cá nhân nhằm mua bán, trục lợi.
Thứ ba, một bộ phận người dân thiếu cảnh giác trong bảo vệ thông tin cá nhân, không nắm vững các quy định ngân hàng về bảo mật thông tin dẫn đến các đối tượng có thể lợi dụng, làm giả giấy tờ.
Về các biện pháp, Công an Tp.HCM đã chỉ đạo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) tăng cường nắm tình hình về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các nghi can để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh, xử lý.
Đồng thời, Công an Tp.HCM chỉ đạo công an quận, huyện và các phòng nghiệp vụ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ thông tin cá nhân và các thủ đoạn của các loại tội phạm.
Công an Tp.HCM cũng chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan tội phạm trên mạng, mạng máy tính, mạng truyền thông và các hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu để chiếm đoạt tài sản.
Điển hình, trong năm 2021, PA05 đã phát hiện, điều tra, chuyển cơ quan điều tra công an quận, huyện xử lý, khởi tố 2 vụ, bắt tạm giam về đối tượng về hành vi làm giả giấy tờ, đăng ký tài khoản giả ngân hàng để vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, Công an Tp.HCM cũng tập hợp, báo cáo Bộ Công an, kiến nghị các bộ, ngành chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin – Truyền thông quản lý các nhà mạng, điều chỉnh các quy định của pháp luật, khắc phục những lỗ hổng trong quản lý nhà nước về việc mở tài khoản ngân hàng theo quản lý sim di động.
Đặc biệt, Bộ Công an đang tiếp tham mưu cho Chính phủ về Đề án 06, trong đó có nội dung phát triển ứng dụng dịch vụ xác thực và điền tên điện tử trên cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư. Giải pháp tăng cường này sẽ giúp cho các giao dịch tài chính trên mạng, viễn thông mang tính chính danh.
“Công dân khi phát hiện vi phạm về đối tượng đánh cắp, lợi dụng thông tin, tài khoản cá nhân của mình để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần báo cáo với cơ quan công an, viết đơn tố cáo kèm các tài liệu có liên quan để cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cong-an-tphcm-chi-ra-ly-do-thong-tin-ca-nhan-cua-nguoi-dan-bi-danh-cap-tren-mang-a567236.html