ĐBQH nêu yếu tố quan trọng giúp “đường về nhà của phạm nhân ngắn lại”

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy cho rằng nếu không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân thì sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm...

Thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam sáng 3/6, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (đoàn Bắc Kạn) phân tích về sự cần thiết ban hành Nghị quyết này.

Tiêu điểm - ĐBQH nêu yếu tố quan trọng giúp “đường về nhà của phạm nhân ngắn lại”

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy bày tỏ sự cần thiết phải tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Nữ đại biểu cho biết, rất cần thiết phải tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, bởi đây là việc làm không chỉ cần thiết đối với việc cải tạo phạm nhân mà còn rất cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng sau này.

Bà Thủy nêu dẫn chứng theo thống kê, trong số phạm nhân hiện đang chấp hành án phạt tù có tới 67% mới chỉ học hết cấp 1, cấp 2, cá biệt có 4,7% không biết chữ, 54% trước khi phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lao động tự do.

Đại biểu nói: “Do đó, nếu không tổ chức tốt việc lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân sẽ rất khó khăn với họ trong tìm kiếm việc làm và dễ rơi vào tâm lý mặc cảm, tự ti và nguy cơ tái phạm sẽ rất lớn”.

Bà Thủy cũng cho hay vì lý do bất khả kháng, nhiều trại giam đã không tổ chức tốt việc lao động, dạy nghề cho phạm nhân.

Bên cạnh đó, thời gian qua phương án thu hút các doanh nghiệp để tạo việc làm cho phạm nhân ngay trong khuôn viên của doanh nghiệp đã được đặt ra nhưng chỉ thực hiện được ở một số trại, còn các trại ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không thực hiện được.

Cùng với đó, cũng có những ý kiến e ngại là việc tổ chức cho phạm nhân lao động học tập, học nghề ngoài trại giam thì có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn.

"Do đó, cần thiết để Bộ Công an triển khai một cách chặt chẽ nếu được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên không vì e ngại mà bỏ đi cơ hội và nhu cầu chính đáng của phạm nhân được cải tạo thông qua lao động”, bà Thủy nêu.

Bà Thủy cũng nói thêm, một trong những chính sách rất nhân văn đối với phạm nhân đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2018, đó là chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Theo đó, phạm nhân chỉ cần chấp hành được 1 phần 2 thời hạn tù, có ý thức cải tạo tốt và đáp ứng một số điều kiện khác thì có thể được tha tù sớm để tự cải tạo xã hội.

“Do đó việc hướng nghiệp ở ngoài trại, dưới sự quản lý chặt chẽ của trại giam cũng cần thiết được đặt ra và bước đầu cho phép thí điểm”, đại biểu chia sẻ.

Tiêu điểm - ĐBQH nêu yếu tố quan trọng giúp “đường về nhà của phạm nhân ngắn lại” (Hình 2).

ĐBQH Phạm Thị Nguyệt Thu. 

Phát biểu ý kiến, đại biểu Phạm Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) cho rằng việc thí điểm thực hiện Nghị quyết này là kết hợp lao động giáo dục nhằm cảm hóa, giúp đỡ phạm nhân yên tâm cải tạo, cố gắng lao động, học tập để sửa đổi lỗi lầm, trở thành người cối tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tối đa tình trạng tái phạm tội sau khi chấp hành án.

Để tạo điều kiện tổ chức cho phạm nhân thường xuyên có môi trường lao động tiêu chuẩn, có dây chuyền sản xuất sát với yêu cầu thị trường, đại biểu Nguyệt Thu nhận thấy, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là rất cần thiết trong tình hình hiện nay.

Qua đó, tạo hành lang pháp lý, huy động nguồn lực xã hội tham gia vào công tác thi hành án hình sự là phù hợp với định hướng cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước ta.

Đại biểu đoàn Hà Tĩnh đề nghị cân nhắc đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi được ưu tiên lao động hướng nghiệp và học nghề ngoài trại.

Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thông qua sẽ tác động tích cực đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý giáo dục, cải tạo phạm nhân, giúp phạm nhân có cơ hội tiếp cận môi trường lao động thực tế, tăng cường kỹ năng, trình độ lao động, có thêm kinh tế để trang trải cuộc sống, thuận lợi để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng.

Để triển khai Nghị quyết có hiệu quả, đại biểu Nguyệt Thu đề nghị Chính phủ giao cho công an kịp thời rà soát các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện, có ngành nghề phù hợp, hợp tác với trại giam, chủ động đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo khu quản lý giam giữ phạm nhân an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức, lao động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài xảy ra.

Xem xét trả công cho phạm nhân ở mức độ nào?

Phát biểu tranh luận về nội dung liên quan trả tiền công cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho biết trong dự thảo nghị quyết và báo cáo giải trình của Chính phủ cũng nêu rõ về quy định kết quả lao động học nghề phạm nhân ngoài trại giam được sử dụng như đối với kết quả lao động học nghề của phạm nhân trong trại giam.

Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng cần thiết thống nhất việc chi trả công lao động cho phạm nhân khi tham gia lao động ngoài trại giam song cần xem xét trả ở mức độ nào.

“Quy định trả một phần như dự thảo Nghị quyết đã hợp lý hay chưa và việc chi trả một phần này được hiểu như thế nào cũng cần phải làm rõ", ông An nhấn mạnh.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dbqh-neu-yeu-to-quan-trong-giup-duong-ve-nha-cua-pham-nhan-ngan-lai-a567291.html