Thống kê đến năm 2020, có 90,85% dân số tham gia BHYT- vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra (theo Nghị quyết số 68). Tỉ lệ tham gia BHYT cao tập trung chủ yếu ở nhóm được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT, nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc nhóm được quỹ BHXH đảm bảo kinh phí mua thẻ.
Nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình chỉ đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% tổng số người thuộc diện tham gia.
Tỉ lệ cao là vậy, tuy nhiên hiện nay nhiều người không còn mặn mà với việc được bảo hiểm chi trả mỗi lần khám chữa bệnh.
Theo quy định, khám chữa bệnh tại cơ sở đăng ký bảo hiểm y tế ban đầu sẽ được hưởng bảo hiểm theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh do Nhà nước quy định. Thông thường mức thanh toán là 80% (tùy theo mức hưởng của người tham gia bảo hiểm), bệnh nhân có trách nhiệm đồng chi trả 20% phần chi phí còn lại.
Vì vậy, nếu không tham gia hoặc sử dụng bảo hiểm y tế người dân sẽ phải bỏ ra số tiền gấp nhiều lần để chi trả viện phí.
Sau dịch, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao trở lại, ghi nhận của phóng viên Người Đưa tin tại khoa khám dịch vụ của một bệnh lớn thuộc khu vực quận Đống Đa, Hà Nội. Khác với hình dung về những khoa khám tự nguyện trước kia, nhiều người bệnh chọn xếp hàng từ sớm ở đây dù giá dịch vụ không hề rẻ.
Nhưng theo chị Hoa (Thành Công, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu không khám theo bảo hiểm y tế giá sẽ cao hơn, tuy nhiên tôi vẫn chọn khoa tự nguyện để tích kiệm thời gian, dịch vụ tốt”.
Về việc mua bảo hiểm y tế, chị hoa bày tỏ: “Tôi có đóng bảo hiểm y tế nhưng đa phần vẫn chọn khám dịch vụ. Khám theo bảo hiểm thời gian chờ đợi lâu, tuy tiền khám có giảm nhưng tiền thuốc cũng không được chi trả nhiều. Đa phần những thuốc đặc trị tôi vẫn phải mua ngoài”.
Cũng đồng quan điểm, bác Minh (Hà Nội) đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, cũng sẵn sàng chi ra số tiền lớn cho khoa dịch vụ: “Hằng tháng tôi thường đến đây khám vì nếu đi đúng tuyến bảo hiểm sẽ chờ rất lâu và đông. Các thuốc theo bảo hiểm cũng chỉ là những thuốc bổ, nhiều loại không được chi trả”.
Tuy nhiên, khi người dân có xu hướng lựa chọn khoa dịch vụ với mong muốn nhanh chóng, nên hiện nay các khoa tự nguyện cũng có hiện tượng quá tải, chờ đợi.
Tại bệnh viện này, mặc dù giới hạn chỉ cho người bệnh vào nhưng vẫn không đủ chỗ ngồi, theo chia sẻ của một điều dưỡng ở đây cho biết: “Lượng bệnh nhân như hôm nay vẫn ít so với mọi hôm, nhiều người đã tập trung chờ khám từ lúc 6 giờ vì đến 9 giờ khoa dừng nhận bệnh nhân.
Các bệnh nhân lựa chọn bỏ ra số tiền lớn hơn vì ở đây có cơ sở vật chất tốt, sạch sẽ cũng như giảm thời gian chờ đợi so với đi theo đúng tuyến”.
Khó được hưởng bảo hiểm ngay ở tuyến cơ sở
Hiện nay, theo Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện.
Trong quá trình khám, các cơ sở này sẽ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nếu cơ sở đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị. Trên thực tế, dù quy định này đặt ra nhằm giảm tải bệnh nhân cho tuyến trên nhưng lại gây mất thời gian của người bệnh.
Trao đổi với Người Đưa tin, chị Thanh Huyền (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Bảo hiểm y tế của tôi là ở phòng khám, nhưng đến đây chỉ để làm thủ tục xin chuyển viện. Các hoạt động đơn giản như làm điện não đồ, nhổ răng,… ở đây đều không làm được mà phải chuyển lên các bệnh viện lớn. Làm như vậy rất mất thời gian đi lại. Ở các viện công phải đi từ sớm, đi nhiều nơi thường phải mất cả ngày mới đến lượt”.
Bảo hiểm y tế thể hiện chia sẻ được áp dụng trong lĩnh vực khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho mọi người, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Ngoài ra cũng phản ánh an sinh xã hội của một đất nước, tuy nhiên cần có những quy định và phân luồng hợp lý hệ thống y tế để chính sách này có hiệu quả.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/co-bao-hiem-y-te-nhung-nguoi-dan-van-chon-kham-dich-vu-a567297.html