Viện Nông nghiệp Thanh Hóa: Công tác thẩm định giá gói thầu đã thực sự công tâm?

Nhiều trang thiết bị dù cùng model, cùng yêu cầu kĩ thuật, cùng xuất xứ nhưng viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã mua với giá cao hơn hàng trăm triệu đồng so với một số đơn vị công khác.

Được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Thanh Hóa, dự án Trụ sở làm việc viện Nông nghiệp Thanh Hóa chia ra làm hai gói thầu chính là gói thầu số 5: Thi công xây dựng công trình; cung cấp, lắp đặt thiết bị công trình, thiết bị văn phòng và bảo hiểm công trình trong thời gian thi công trị giá 67,66 tỷ đồng và gói thầu số 6: Cung cấp, lắp đặt thiết bị phòng thí nghiệm trị giá 60,62 tỷ đồng.

hieuunganhcom629f2cc3182dd

Trụ sở làm việc viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, ngày 17/11/2021, Viện trưởng viện Nông nghiệp Thanh Hóa Nguyễn Đình Hải phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 6: Cung cấp, lắp đặt thiết bị phòng thí nghiệm. Nhà thầu trúng thầu là liên danh viện Nghiên cứu và phát triển Vùng, công ty TNHH Thương mại dịch vụ kĩ thuật Minh Khang và công ty Cổ phần Thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa với mức giá 60.620.560.600 đồng (Bằng chữ: Sáu mươi tỷ, sáu trăm hai mươi triệu, năm trăm sáu mươi nghìn, sáu trăm đồng).

Theo tìm hiểu của PV, nhiều trang thiết bị dù cùng model, cùng yêu cầu kĩ thuật, cùng xuất xứ nhưng viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã mua với giá cao hơn hàng trăm triệu đồng so với một số đơn vị công khác.

hieuunganhcom629f2cd45ff62

Quyết định số 680/QĐ-VNN ngày 17/11/2021 của viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Đơn cử, thiết bị phá mẫu bằng vi sóng Multiwave 5000 của hãng Anton Paar, xuất xứ Áo có giá trị trong gói thầu là 1.188.200.000 đồng/bộ. Nhưng mới đây, vào tháng 01/2022, sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên đã tổ chức đấu thầu và mua sắm hệ thống máy này với giá chỉ 888.000.000 đồng/bộ. Có thể thấy được số tiền chênh lệch đã lên tới hơn 300.000.000 đồng.

Thiết bị sắc kí ion (IC) Dionex ICS -6000 của hãng Thermo Scientific, xuất xứ Mỹ có giá trị trong gói thầu là 4.798.000.000 đồng/cái. Tuy nhiên, vào tháng 10/2021, viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đấu thầu và mua sắm máy này với giá chỉ 4.536.577.000 đồng/cái. Số tiền chênh lệch lên đến hơn 260.000.000 đồng.

Tương tự, hệ thống lên men pilot 10L BIOCANVAS-LF-SV10L của hãng Centrion tại Hàn Quốc và Hệ thống chưng cất đạm MultiKjel K-365 của hãng Buchi tại Thụy Sĩ có giá trị trong gói thầu lần lượt là 998.200.000 đồng/bộ và 828.730.000 đồng/bộ. Nhưng theo nguồn tin của phóng viên, vào tháng 12/2021, viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Viện này cũng là 1 đơn vị trong liên danh trúng thầu tại viện Nông nghiệp Thanh Hóa) tại Hà Nội đã tổ chức đấu thầu và mua sắm 2 hệ thống này với giá lần lượt chỉ là 847.300.000 đồng/bộ và 485.063.000 đồng/bộ. Từ đó, có thể nhận thấy rằng số tiền chênh lệch của 2 hệ thống này đã lên tới gần 850.000.000 đồng.

Qua tiến hành rà soát chỉ với 10/250 mã sản phẩm, gói thầu đã có dấu hiệu mua sắm chênh lệch lên tới hơn 1,6 tỷ đồng. Với cả trăm trang thiết bị mua sắm trong gói thầu, con số chênh lệch có thể là bao nhiêu?

Dẫu biết rằng giá thành của thiết bị cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vận chuyển, bảo hành, nhân công, sửa chữa, đào tạo… tuy nhiên, với chênh lệch giá sản phẩm cao như vậy thì không khỏi khiến dư luận băn khoăn về công tác thẩm định giá gói thầu đã thực sự công tâm hay chưa.

Trao đổi với PV, Chánh văn phòng viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa Bùi Tuấn Anh cho biết đơn vị đang rà soát lại những vấn đề nêu trên. Việc tổ chức đấu thầu được diễn ra đúng theo những trình tự của pháp luật.

Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Duy Trung – Ngọc Bảo

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vien-nong-nghiep-thanh-hoa-cong-tac-tham-dinh-gia-goi-thau-da-thuc-su-cong-tam-a567512.html