Thời gian đòi nợ từ 9h đến 21h
Chiều 8/6, Quốc hội tiến hành Phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về Nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực Ngân hàng.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đặt câu hỏi, có tình trạng mạo danh người khác qua Facebook, Zalo để chuyển tiền qua tài khoản. Có ý kiến cho rằng việc này xuất phát từ công tác quản lý tài khoản tại ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hiện nay nền kinh tế có rất nhiều tài khoản tại các ngân hàng thương mại mà người đang sử dụng không phải chủ tài khoản khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi lừa đảo phạm pháp nảy sinh.
Thêm nữa, tình trạng người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên trong danh bạ điện thoại của người vay tiền khi không trả nợ đúng hạn. Với chức năng quản lý Nhà nước của mình, Thống đốc sẽ triển khai các biện pháp nào để hạn chế những hành vi vi phạm nêu trên?
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết cá nhân khi mở tài khoản, đều phải xác thực định danh của mình, tuy nhiên, vừa qua có hiện tượng lừa đảo lấy cắp thông tin để lấy trộm tiền.
Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh, có giải pháp cảnh báo với người dân.
“Đối với trường hợp đòi nợ của công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy cần phải sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng không được đòi nợ theo các biện pháp đe dọa; thời gian đòi nợ từ 9h đến 21h…”, bà Hồng nói.
Làm rõ khái niệm tiền điện tử, tiền ảo, tài sản ảo
Trả lời về câu hỏi tiền ảo, tiền điện tử của đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình), Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, thời gian qua, dư luận quan tâm đến tiền điện tử, tiền ảo, tài sản ảo. Khái niệm này cần được làm rõ.
Tiền điện tử là thể hiện đồng tiền pháp định, đây là đồng tiền do Ngân hàng Trung ương phát hành dưới dạng tiền giấy, tiền xu. Khi một người có tiền giấy, tiền xu không cầm mà lưu lưu giữ dưới dạng điện tử ở các thiết bị điện tử ở điện thoại di động, mạng máy tính… Đồng tiền này đòi hỏi phải có tỉ lệ 1:1 giữa tiền pháp định và tiền điện tử được thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước có thông tư quy định có ví điện tử, đây chính là tiền điện tử. Ngân hàng Nhà nước cũng đang dự thảo, sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, chúng tôi sẽ làm rõ khái niệm này.
“Khái niệm về tiền ảo, tài sản ảo mà mọi người hay nói về đồng tiền như bitcoin, đây không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương của các nước phát hành mà do các tổ chức trong khu vực tư nhân, họ tạo ra bằng thuật toán trên máy tính”, bà Hồng nói.
Đối với đồng tiền này chỉ được thừa nhận ở một cộng đồng nhất định như sàn game, sàn công nghệ. Mỗi nước có cách thức quản lý khác nhau, có nước phân đồng tiền ảo, tài sản ảo như tài sản hoặc chứng khoán để họ thu thuế, cấp phép giao dịch.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã giao cho các bộ chủ trì nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý. Ngân hàng Nhà nước được giao phối hợp cơ quan chức năng. Đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng Trung ương phát hành dưới dạng tiền giấy và tiền xu.
Hiện nay, các nước trên thế giới đang trong quá trình nghiên cứu và thí điểm. Ngân hàng Nhà nước được giao thành lập ban để nghiên cứu tiền kỹ thuật số, chúng tôi đã họp được một số phiên và giờ đang nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác.
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cong-ty-tai-chinh-khong-duoc-de-doa-khi-doi-no-thoi-gian-doi-no-tu-9h-21h-a567605.html