Kelly Fidoe-White (41 tuổi, ở Oldham, Greater Manchester, Vương quốc Anh) phải đối mặt với thái độ khó chịu và xa lánh của đồng nghiệp, bạn bè suốt thời gian dài vì cơ thể cô tỏa ra mùi hôi kỳ lạ. Được biết, năm 6 tuổi, Kelly phát hiện nước tiểu của mình có mùi tanh như cá. Khi bước và tuổi dậy thì, cô bắt đầu có mùi cơ thể khó chịu sau những lần đi vệ sinh.
Người phụ nữ cho biết cơ thể cô luôn có mùi như mùi cá, mùi hành, dù thử đủ cách vẫn không thể loại bỏ. Do cơ thể tỏa ra mùi khó chịu nên Kelly thường phải tắm 4 lần mỗi ngày, thay đồng phục 2 lần và sử dụng rất nhiều nước hoa để che đi. Có những khi mẹ của Kelly phải đem quần áo mới đến chỗ làm cho con gái khi có người phàn nàn về mùi của cô.
Ban đầu, Kelly nghĩ nguyên nhân là do mình bị đổ mồ hôi quá nhiều, mùi hôi sẽ mất đi sau khi tắm gội và thay đồ. Thế nhưng, mùi cá tanh dần lan khắp cơ thể cho tới khi không cách nào che đậy được nữa. Phần lớn thu nhập của người phụ nữ đều dành cho các loại lăn khử mùi cơ thể nhưng tiếc là chúng đều phải chịu thua trước mùi hương của cô.
“Là một chuyên gia chăm sóc sức khỏe, tôi thực sự rất khó chịu khi bị người khác hỏi liệu cô có biết mình nên sử dụng xà phòng khi tắm rửa hay không. Mùi hôi thường khó chịu hơn sau khi tắm, lỗ chân lông mở ra nhiều hơn do nước ấm.
Bạn tắm rửa nhiều hơn, sử dụng xà phòng mạnh hơn, giặt quần áo bằng tinh thể soda, xịt nước hoa toàn thân. Tất cả những việc này đều khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn”, nữ bác sĩ chụp X-quang chia sẻ. Nỗi sợ người khác nhận ra mùi của mình khiến Kelly phải chuyển sang làm ca đêm và mắc chứng trầm cảm.
Trong một thời gian dài, cô liên tục đến các bệnh viện thăm khám với hy vọng tìm ra nguyên nhân và điều trị bệnh. Tuy nhiên, phải đến năm 2015, khi đã 34 tuổi, các bác sĩ mới phát hiện cô mắc hội chứng mùi cá (Trimethylaminuria - TMAU).
Theo Thư viện Y khoa Hoa Kỳ, đây là một hội chứng rối loạn, trong đó cơ thể không thể phá vỡ trimethylamine, một hợp chất hóa học có mùi rất hăng. Trimethylamine được mô tả là có mùi như mùi cá thối rữa, trứng thối, rác thải hoặc nước tiểu. Hợp chất này tích tụ trong cơ thể sẽ khiến cơ thể bốc mùi khi toát mồ hôi, đi tiểu hoặc khi thở.
Do là căn bệnh hiếm gặp nên hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm hội chứng mùi cá. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh chỉ có thể chấp nhận “sống chung với lũ”. Tuy nhiên, họ có thể giảm triệu chứng bằng cách tránh một số loại thực phẩm và bổ sung các chất dinh dưỡng nhất định.
Sau nhiều năm, người phụ nữ 41 tuổi đã tìm được những cách độc đáo để cải thiện tình trạng bệnh, trong đó có việc áp dụng chế độ ăn giảm hợp chất choline. Cô tránh các loại thực phẩm như gan, thận, đậu, lạc và các loại rau cải giàu choline. Ngoài ra, Kelly cũng nhận liệu pháp tư vấn khi bị bắt nạt trong nhiều năm với những lời chế nhạo rằng mùi cơ thể của cô do cân nặng.
Mặc dù bị người khác bàn tán, chế giễu nhưng Kelly lại may mắn cưới được người chồng luôn thương yêu và ủng hộ cô hết mực. Vợ chồng người phụ nữ hiện vẫn rất hanh phúc và tình cảm sau hơn 20 năm chung sống.
“Trên thực tế, mùi hôi tệ nhất khi tôi nhẹ cân. Hiện tại, tôi tin rằng mình hầu như không có triệu chứng. Đó là nhờ sự kết hợp của các chất bổ sung và một số thay đổi về lối sống. Tôi muốn lên tiếng cho những người cùng chung cảnh ngộ nhưng đang im lặng vì sự kỳ thi với mùi cơ thể. Mọi người ngại chia sẻ vì sợ bị chế giễu”, Kelly tâm sự.
Đinh Kim (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-phu-nu-phai-tam-4-lan-ngay-vi-mac-chung-benh-hiem-gap-a567714.html