Nỗi lo “chôn” vốn
Theo Nhịp Sống Kinh Tế, đầu năm 2022, tại nhiều khu vực thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững. Theo đó, tình trạng sốt đất hạ nhiệt đã xuất hiện hiện tượng nhiều người bán nhưng không tìm được đầu ra của sản phẩm. Theo đó, nhiều người tỏ ra lo lắng nếu không bán nhanh, nếu thị trường xấu hơn nữa sẽ dẫn tới việc “chôn” vốn nhiều năm, thậm chí là lỗ sâu.
Nhiều môi giới cũng đã thừa nhận việc không ít nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính quá lớn, tâm lý không vững vàng, cần tiền gấp hay mục đích chỉ muốn lướt sóng kiếm lời nhanh đến khi thị trường có dấu hiệu chững đây là nhóm đối tượng muốn “tháo chạy” đầu tiên.
Vietnamnet dẫn lời bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội thừa nhận, một số thị trường địa ốc đang có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là do mức giá ở một số khu vực đang đứng ở mức cao. Mức giá cao đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính thanh khoản trên thị trường, lượng giao dịch thành công thời gian vừa qua đã ghi nhận sự sụt giảm.
Cũng theo các chuyên gia phân tích, nếu như mức giá cao kéo dài trong một khoảng thời gian, người mua không có, nhà đầu tư phải đứng trước áp lực phải cắt lỗ. Tâm lý người mua hiện tại không còn mạnh tay xuống tiền. Họ có phần cẩn trọng và xem xét, cân nhắc kĩ. Hoặc họ chờ đợi thị trường sụt giảm về giá để vào tiền. Nên những nhà đầu tư đủ khả năng gồng gánh nợ lãi cần chờ đợi thời gian. Còn nhà đầu tư không thể gánh nợ sẽ buộc phải cắt lỗ.
Ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho rằng, đã xuất hiện nhà đầu tư tìm cách rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và có người đã chấp nhận cắt lỗ. Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tìm thấy các sản phẩm giá tốt để mua nhưng các nhà đầu tư F0, ít kinh nghiệm thì nên cảnh giác với những rủi ro khi thị trường chững lại.
Vị chuyên gia này khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi, quan sát diễn biến của thị trường. Vấn đề thanh khoản phải đặc biệt lưu ý. Và nhà đầu tư phải cân nhắc các yếu tố khác nhau.
Vì chuyên gia này nhấn mạnh, chỉ nên mua sản phẩm có hiệu quả khai thác. Ông Quang khuyến nghị không nên sử dụng đòn bẩy ngân hàng và bên cạnh đó, nhà đầu tư không nên vay ngân hàng. Đồng thời nên hạ mức kỳ vọng xuống và kéo dài thời gian đầu tư.
Người sốt sắng chờ bắt đáy sau “sốt đất”
Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản hạ nhiệt lại trở thành cơ hội cho một số nhà đầu tư dễ thương thảo được giá hời. Nhận định về thị trường bất động sản sau cơn "sốt đất", nhiều ý kiến cho rằng, những người có nhu cầu bắt đáy tiềm lực tài chính phải vững chắc, bởi đầu tư bất động sản là đầu tư dài hạn, nhất là trong bối cảnh chuyển giao giai đoạn.
Chia sẻ với Nhịp Sống Kinh Tế, anh Nguyễn Trường Sơn, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, kể từ tháng 4/2021, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, anh quan tâm hơn đến kênh đầu tư là bất động sản thay vì gửi tiền tiết kiệm vì lãi suất thấp. Thế nhưng, việc đầu tư thời điểm nào, khu vực nào luôn được anh đặc biệt chú ý.
Theo quan sát của nhà đầu tư này, thị trường nhà đất ở mỗi địa phương sẽ khác nhau, thời gian qua có nơi thì giá vẫn tăng, thậm chí là "nóng sốt". Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 vừa qua, một số nơi đã trầm lắng, giá giảm, nhưng mặt bằng giá vẫn còn quá cao khiến anh cân nhắc nhiều "xuống tiền".
Cũng chính lúc thị trường hạ nhiệt, giá đất có dấu hiệu ngừng tăng khiến việc giao dịch giữa người mua có lợi thế hơn trong thương thảo. "Tôi đang theo dõi diễn biến của thị trường bất động sản ở vùng ven Hà Nội để đầu tư. Tôi không kỳ vọng quá lớn sẽ mua được lô đất "cắt lỗ" quá hời. Bởi vì, thời điểm "sốt đất" hạ nhiệt tôi sẽ không mua phải đất giá cao và có nhiều lựa chọn được lô đất vị trí đẹp hơn", anh Sơn chia sẻ.
Giống như trường hợp của anh Sơn, nhiều nhà đầu tư đang sẵn sàng dòng tiền để có thể bắt đáy đúng thời điểm mua vào bất động sản vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Việt An Hòa cho rằng, hiện tượng bán cắt lỗ, thoát hàng để thu hồi tiền mặt chỉ diễn ra một cách âm thầm, cục bộ ở một số khu vực, một số nhà đầu tư, chứ không phải là làn sóng bán tháo.
“Trong lúc này, nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ để cơ cấu lại tài sản. Nếu người bán giảm đến 10-15% so với thị trường thì nên mua ngay. Cơ hội lúc này dành cho những nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, đầu tư dài hạn”, ông Quang phân tích.
Đào Vũ (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tinh-canh-doi-nghich-tren-thi-truong-bat-dong-san-co-hoi-nao-cho-nha-dau-tu-a569122.html