Năm 2018, câu chuyện bé Hải An 7 tuổi hiến giác mạc trước khi qua đời vì bệnh ung thư đã lay động trái tim của hàng triệu người Việt. Hai người khiếm thị đã được ghép giác mạc thành công và nhìn thấy ánh sáng. Hay như tấm gương về lòng nhân ái lại một lần nữa gọi tên thiếu tá Lê Hải Ninh, đã hiến tạng cứu sống 6 người một cách diệu kỳ. Bằng tình yêu thương giữa người và người, thông điệp "Cho đi là còn mãi" ngày càng lan toả đến đông đảo cộng đồng.
Bé Hải An đã làm thổn thức trái tim của hàng triệu người khi đã hiến giác mạc, cứu sống hai người khiếm thị
Theo một cuộc khảo sát trên mạng xã hội, có tới 67% các bạn trẻ đồng ý hiến tạng. Dù chỉ là khảo sát và chưa có thống kê cụ thể, nhưng trên thực tế ngày càng có nhiều người trẻ sẵn sàng suy nghĩ về việc hiến tạng và quyết định hiến tạng một cách chắc chắn.
Quyết định đến Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người Chợ Rẫy vào sinh nhật năm 24 tuổi, M.D (NV văn phòng tại TP HCM) để làm đơn đăng ký hiến tạng. Ở mục lựa chọn các bộ phận mô, nội tạng để cho đi, cô đã chọn hết tất cả những gì có thể cho đi nếu tại thời điểm qua đời vẫn còn khả năng để cấy ghép. Nói về quyết định táo bạo khi còn trẻ, M.D cho biết cô đã dành 3 năm để thuyết phục gia đình, mặc dù cô chỉ quyết định hiến tạng trong vòng 1 tháng.
"Lúc đăng ký không cần có gia đình ký giấy nhưng lỡ may không qua đời thì phải có sự cho phép của gia đình. Ai cũng mong mình sẽ được sống thật lâu nhưng mình vẫn tâm niệm, sống hết mình cho hôm nay vì không biết ngày mai sẽ thế nào. Nhỡ may mình có vấn đề gì thì sẽ có nhiều người khác được tiếp tục cuộc sống của họ. Cuối cùng mẹ mình đã đồng ý", M.D tâm sự.
Giống như M.D, G.H một cô gái khác tại TP HCM cũng đã quyết định hiến tạng ở tuổi 25, cô cho biết từ khi đăng ký hiến tạng, cô đã lan toả được tinh thần này cho rất nhiều bạn bè xung quanh. "Nhiều người hỏi đăng ký hiến tạng mà không thấy sợ hãi sao, mình cười bảo, lúc đó cũng chết rồi còn biết gì đâu mà sợ".
Trên Facebook, TikTok cũng đã xuất hiện những hashtag như #hientangnhandao #hientangtuthien #chodilaconmai thu hút đến gần 10 triệu lượt xem với hơn 100 nghìn bài viết chia sẻ hành trình hiến tạng nhân đạo của các bạn trẻ. Và cứ thế, hành trình đưa thông điệp “Cho đi là còn mãi!” ngày càng đến gần hơn với mọi người, không chỉ người trẻ mà cả thế hệ đi trước cũng đã tích cực hơn về vấn đề này.
Nhưng bên cạnh những bạn trẻ may mắn được ủng hộ, động viên từ gia đình, người thân thì cũng có nhiều bạn bị phản đối kịch liệt, cấm đoán. Bạn M.T (19 tuổi, SV năm hai trường đại học Kiến trúc TP HCM) đã có mong muốn hiến tạng từ khi còn là học sinh cấp 3, tuy nhiên đến nay dù đã đuổi tuổi làm thủ tục đăng ký nhưng M.T vẫn chưa nhận được sự đồng ý của bố mẹ.
"Mình thường mở cho mẹ xem các thông tin tích cực và chia sẻ cho mẹ nghe về ý nghĩa của việc hiến tạng. Nói cho mẹ nghe về ý nghĩa của nó và cho mẹ biết đây là nguyện vọng xuất phát từ sâu thẳm tấm lòng của mình. Mẹ đã có lúc lung lay nhưng vẫn chỉ ậm ừ chứ chưa đồng ý, mình sẽ lựa lời tiếp tục tỉ tê với mẹ và tin rằng có ngày mẹ sẽ hiểu", M.T chia sẻ mong muốn của bản thân.
Các bác sĩ bệnh viện 108 cúi đầu mặc niệm người hiến tạng chết não, trước khi phẫu thuật nhận và ghép tạng, hồi tháng 9/2020. Ảnh: Bệnh viện 108
Đáp lại suy nghĩ về quyết định hiến tạng của con gái mình, bà nội trợ Hải Yến (55 tuổi, quận Gò Vấp, TP HCM) cũng có những trăn trở của riêng mình. "Con gái vừa qua tuổi 20 đòi tôi dẫn đi đăng ký hiến tạng nhưng tôi sợ con mình chưa suy nghĩ kỹ càng nên chưa đồng ý. Tôi cũng tin rằng đó là hành động tốt đẹp nhưng không cần phải quá vội vàng. Tôi đã từng đọc nhiều bài báo về việc một bà mẹ ở Lâm Đồng bị cả làng cả xóm đồn thổi bán nội tạng của con để lấy tiền. Tôi đọc và thấy như bị xát muối vào tim, dù cho sau này gia đình đó đã được "giải oan" nhưng tôi vẫn có những nỗi lo của mình".
Nói về lý do ngày càng có nhiều bạn trẻ có suy nghĩ hiến tạng, từ góc nhìn của một người trẻ, bạn Ngọc Châu (SV Khoa Tâm lý học - Trường đại học Sư phạm TP HCM) cho rằng giới trẻ ngày này tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng ngay từ khi còn nhỏ nên có lối sống khá cởi mở. "Bên cạnh những vấn nạn từ MXH khiến người trẻ đôi lúc hơi lệch lạc với nhiều giá trị truyền thống, nhưng không thể phủ nhận các bạn hiện nay đa phần chọn sống hết mình với hiện tại, có góc nhìn tích cực với sự mất mát, xem cái chết là một phần của sự sống. Từ đó, việc hiến tạng cũng dễ dàng được chấp nhận hơn ở các thế hệ trước" - Ngọc Châu chia sẻ.
H.G
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gioi-tre-hien-tang-chet-la-het-chi-mong-lam-duoc-viec-co-ich-de-cuu-duoc-nhieu-nguoi-a569228.html