Cổ phiếu đầu cơ "nổi sóng" sau tin rút ngắn thời gian giao dịch

FLC tăng trần 6 phiên liên tiếp, ITA đảo chiều tăng trần và khớp lệnh hơn 42 triệu đơn vị sau 2 phiên giảm sàn, cổ phiếu "họ Louis" tăng trần phiên thứ 3...

Sau những phiên tăng điểm tốt của thị trường chứng khoán, mở cửa phiên giao dịch ngày 29/6, sắc đỏ ở nhóm cổ phiếu lớn chiếm ưu thế và điều này đẩy VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu.

Chỉ có duy nhất thời điểm khoảng 10h30 sáng VN-Index vượt lên trên tham chiếu còn lại cả phiên 29/6 chứng khoán bị đẩy lùi xuống tham chiếu. Vẫn có một số mã tăng mạnh so song đủ để kéo thị trường bởi áp lực chốt lời mạnh sau 2 phiên tăng điểm. Thị trường diễn biến ảm đạm suốt cả phiên khi không có dòng cổ phiếu nào dẫn dắt. Đến phiên giao dịch chiều, chứng khoán dần phục hồi song cũng chỉ tiến về sát mốc tham chiếu chứ không bứt phá mạnh.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,01 điểm xuống 1.218,09 điểm. Toàn sàn có 184 mã tăng, 263 mã giảm và 67 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,52 điểm, tương ứng 0,54% xuống 282,35 điểm. Toàn sàn có 80 mã tăng, 106 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,24 điểm, tương ứng 0,27% xuống 88,77 điểm.

Diễn biến trái chiều xảy ra tại các nhóm cổ phiếu. Tại nhóm ngân hàng, BID là mã tác động tích cực nhất khi tăng tới 3,7% lên 34.900 đồng/cổ phiếu, VIB sau phiên tăng trần hôm 28/6 cũng tăng hơn 1%... ABB, CTG, KLB, HDB, LPB, MSB, OCB… cũng đều ghi nhận sắc xanh. Ngược lại, ACB, VCB, EIB lại nằm trong top những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới thị trường.

Tài chính - Ngân hàng - Cổ phiếu đầu cơ 'nổi sóng' sau tin rút ngắn thời gian giao dịch

Nhóm ngân hàng diễn biến trái chiều trong phiên ngày 29/6. (Ảnh: SSI)

Nhóm thép cũng có một phiên giao dịch tích cực. Mã này tăng 1,11% lên 22.750 đồng/cổ phiếu với hơn 20,1 triệu cổ phiếu được sang tay. Các mã khác như HSG tăng gần 3%, NKG tăng 4,12%, TLH, POM cũng tăng khoảng 1%.

Tại nhóm phân bón, BFC tím trần còn nhóm cao su có đại diện là TNC. LAS, DCM, DPM cũng kết phiên trong sắc xanh… Tại nhóm bán lẻ, FRT giảm giá, MWG tăng nhẹ còn PNJ lại giảm giá. Nhóm này không xác định đà tăng giảm mà các mã diễn biến khác nhau.

Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thực hiện lấy ý kiến của các sở giao dịch chứng khoán, ngân hàng thanh toán BIDV và các thành viên lưu ký về dự thảo quy chế thay thế Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán và Quy chế thành viên lưu ký. Thời gian dự kiến áp dụng từ tháng 8.

Cụ thể, thành viên lưu ký xác nhận đủ tiền hoặc thiếu tiền thanh toán giao dịch chứng khoán chậm nhất vào 16h45 ngày T+1. Điều chỉnh thời gian VSD hoàn tất thanh toán chứng khoán và ngân hàng thanh toán hoàn tất thanh toán tiền từ 15h30-16h00 lên 11h30-12h00 ngày T+2.

Sau thông tin này, nhiều nhà đầu tư thích "chơi" cổ phiếu đầu cơ cảm thấy hứng thú. Thay vì phải đợi đến ngày thứ 3 kể từ ngày mua - bán chứng khoán (T+3), đến giữa ngày thứ 2 (T+2), nhà đầu tư đã có thể thực hiện giao dịch chứng khoán.

Nhiều mã có xu hướng đầu cơ phiên ngày 29/6 diễn biến tốt. ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo sau 2 phiên giảm sàn liên tiếp đã tăng trở lại lên 8.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 6,2% sau 2 phiên dư bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị do thông tin doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản lan truyền khắp các diễn đàn, hội nhóm đầu tư chứng khoán. Phiên ngày 29/4, mã này có tới hơn 42,3 triệu cổ phiếu được sang tay.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT ITA đã có đơn cầu cứu. Bà Yến bày tỏ sự vô lý khi công ty có tổng giá trị tài sản 13.273 tỷ đồng và niêm yết trên sàn chứng khoán. Song, doanh nghiệp bị buộc công bố phá sản vì khoản nợ chưa xác định chiếm chưa tới 0,2% tổng giá trị tài sản.

Tài chính - Ngân hàng - Cổ phiếu đầu cơ 'nổi sóng' sau tin rút ngắn thời gian giao dịch (Hình 2).

Sau 2 phiên giảm sàn, dư bán hàng chục triệu đơn vị, ITA bỗng đảo chiều tăng trần với hơn 42 triệu cổ phiếu được sang tay. (Ảnh: Fireant)

FLC cũng là một mã biến động tích cực khi tăng trần 6 phiên liên tiếp. Dù vậy, khác với các phiên trước, FLC hôm nay đã có thời điểm bị mất mốc trần song vẫn kết phiên trong sắc tím. Nhóm Louis Holdings cũng ghi nhận TGG và BII tăng trần thứ 3 liên tiếp. Họ Apec có API tăng 10%. NVT, JVC và VC9 thuộc hệ sinh thái Nhựa Đồng Nai cũng tăng với biên độ lớn trong phiên.

Thanh khoản trên sàn HoSE đạt chưa tới 12.000 tỷ đồng. Riêng nhóm VN30 thanh khoản giảm so với phiên ngày 28/6, chỉ đạt 4.500 tỷ đồng.

Khối ngoại sau 2 phiên mua ròng đã bán ròng trở lại, tuy nhiên khối lượng không nhiều, chỉ gần 35 tỷ đồng. Khối này giải ngân 1.485 tỷ đồng nhưng lại bán ra 1.520 tỷ đồng. Không có mã nào bị bán khối lượng đột biến 100 tỷ đồng, các mã hầu hết được bán từ 40-50 tỷ đồng. Cặp đôi DPM, DCM bị bán lần lượt 45 tỷ đồng và 38 tỷ đồng… HPG cũng bị bán khoảng 44 tỷ đồng, NVL bị bán 33,7 tỷ đồng… Ngược lại, BID được mua 36,4 tỷ đồng, CTG được mua 42 tỷ đồng, STB được mua 35,6 tỷ đồng.

Trần Thu Thảo

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/co-phieu-dau-co-noi-song-sau-tin-rut-ngan-thoi-gian-giao-dich-a569268.html