Sắc đỏ phủ bóng thị trường chứng khoán phiên chốt nửa đầu năm 2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, VN-Index giảm từ vùng đỉnh 1512 điểm về dưới mức hỗ trợ 1200 điểm, nhiều cổ phiếu bốc hơi 50% giá trị vốn hoá.

Sau phiên giao dịch ảm đạm ngày 29/6, sang phiên cuối cùng của quý II/2022, thị trường mở cửa vẫn có sự giằng co rung lắc khi nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục phân hóa mạnh. Phiên giao dịch đầu năm 2022, VN-Index dừng tại mốc 1.525 điểm, sau nửa năm đã "bốc hơi" 21%. 

Phiên giao dịch cuối cùng của quý II được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng việc chốt NAV của các quỹ sẽ diễn ra và giúp thị trường có biến động tích cực song thực tế lại biến động ngược lại kỳ vọng của nhà đầu tư.

Các chỉ số vẫn biến động trong biên độ hẹp trước sự giằng co ở nhóm cổ phiếu lớn. Trong đó, các mã như VNM, TPB, HDB, HPG… phiên sáng đóng vai trò nâng đỡ. Ở chiều ngược lại, sắc đỏ bao trùm các cổ phiếu lớn khác như MSG, MSN, VIC, BVH, FPT… Áp lực bán thắng thế khiến thời điểm kết phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ sau khi đi ngang cả buổi.

Sang đến phiên chiều, thị trường bất ngờ biến động tiêu cực. Hàng loạt cổ phiếu quay đầu giảm điểm. Sắc đỏ phủ bóng toàn bộ thị trường. VN-Index liên tiếp lao dốc mạnh khi không có cổ phiếu nào đóng vai trò trụ đỡ của thị trường. Nhóm VN30 là tác nhân lớn nhất khiến chỉ số giảm điểm, so đó lan dần ra các cổ phiếu nhỏ và nhóm đầu cơ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/6, VN-Index giảm 20,49 điểm, tương ứng 1,68% xuống 1.197,6 điểm. Như vậy, chứng khoán lại một lần nữa đánh mất mốc 1.200 điểm dù mới lấy lại mốc này chưa được bao lâu. Toàn sàn có 89 mã tăng, 371 mã giảm và 48 mã đứng giá. HNX-Index giảm 4,67 điểm, tương ứng 1,65% xuống 277,68 điểm. Toàn sàn có 56 mã tăng, 145 mã giảm và 32 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,3 điểm, tương ứng 0,34% xuống 88,58 điểm.

Tài chính - Ngân hàng - Sắc đỏ phủ bóng thị trường chứng khoán phiên chốt nửa đầu năm 2022

Cổ phiếu ngân hàng "đỏ lửa". (Ảnh: SSI)

Nhóm cổ phiếu “vua" ngân hàng góp mặt nhiều cổ phiếu nhất trong top những mã tác động tiêu cực tới thị trường ngày 30/6. Dẫn đầu là BID giảm hơn 4%. Theo sau là VPB, TCB, CTG, VCB… Nhiều mã khác tuy không nằm trong top nhưng cũng biến động tiêu cực với biên độ giảm mạnh là ABB, ACB, HDB, MBB, LPB, SHB, STB…

Đứng thứ 2 là VHM của Vinhomes. Mã này hiện đạt 62.100 đồng/cổ phiếu. Từ đầu tháng 6 tới nay, VHM đã giảm 11%. Ở các mã bất động sản, xây dựng khác cũng không có nhiều khả quan. CTD giảm 3,7%, VCG giảm 5,4%, HBC giảm 4,8%, CII giảm 6,2%, DIG giảm sàn...

Nhóm thép cũng có một phiên giao dịch kém sáng. "Vua thép" Hòa Phát giảm 1,9% xuống 22.300 đồng/cổ phiếu. Các mã khac cũng không có diễn biến khả quan, HSG giảm sát giá sàn, NKG giảm 6,07%, TLH giảm 3,2%, POM giảm 2,49%... 

Tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, APG, VCI, VIX, CTS, HCM… giảm sàn. ORS giảm 6,6%, SSI giảm 4,8% hay VND cũng mất 6,2%...

Tài chính - Ngân hàng - Sắc đỏ phủ bóng thị trường chứng khoán phiên chốt nửa đầu năm 2022 (Hình 2).

Sắc đỏ phủ bóng nhóm VN30 trong phiên giao dịch cuối cùng của quý II/2022. (Ảnh: FireAnt)

Hôm nay cũng là phiên giao dịch buồn với các cổ phiếu đầu cơ. Nhiều mã thời gian vừa rồi tăng mạnh đến phiên 30/6 đã quay đầu giảm điểm. HQC, NVT, ITA, AMD… giảm sàn hàng loạt. Dù vậy, FLC lại giữ được sắc xanh. Sau chuỗi 6 phiên trần liên tiếp, lãnh đạo Tập đoàn cũng không biết vì sao cổ phiếu tăng trần thì hôm nay FLC đã mất mốc tăng trần. Có tổng 10,4 triệu cổ phiếu FLC được sang tay trong phiên. Hôm 2/7 tới đây sẽ diễn ra ĐHĐCĐ thường niên của FLC. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu "họ Louis" cũng tiếp tục tăng điểm dù không tăng trần.

Một số mã thuộc nhóm phân bón, hóa chất, cao su vẫn ngược dòng thị trường. TNC tím trần, SFG có thêm 4,4%, CSV tăng 3,95%, DPM ghi nhận vượt tham chiếu 2%...

Thanh khoản thị trường tương đương phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 11.922 tỷ đồng, tăng 1,36%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 1,36% lên 10.561 tỷ đồng. Ở nhóm VN30, thanh khoản chỉ đạt 4.200 tỷ đồng.

Phiên giao dịch cuối cùng của quý II/2022 cũng chứng kiến giao dịch giảm đạm của khối ngoại. Khối này giải ngân 927 tỷ đồng nhưng lại bán ra 969 tỷ đồng. Không có mã nào được mua - bán khối lượng lớn. HDG được mua nhiều nhất song trị giá chưa tới 50 tỷ đồng. Ngược lại, MWG bị bán mạnh nhất, khoảng 46 tỷ đồng.

Trần Thu Thảo

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sac-do-phu-bong-thi-truong-chung-khoan-phien-chot-nua-dau-nam-2022-a569402.html