Cần nhìn nhận thế nào khi doanh nghiệp xe buýt "cạn tiền", phá sản?

Công ty TNHH Bắc Hà kiến nghị Sở GTVT Hà Nội để xin bỏ các tuyến buýt đang khai thác do bị phá sản, ngân hàng siết nợ.

Cạn kiệt vốn, mất khả năng trả nợ

Ngày 1/7, Công ty TNHH Bắc Hà đã có công văn gửi Sở GTVT Hà Nội xin ngừng hoạt động 5 tuyến buýt mang số hiệu 41 (Nghi Tàm-Bến xe Giáp Bát); 42 (Bến xe Giáp Bát-Đức Giang); 43 (Công viên Thống Nhất-Đông Anh); 44 (Trần Khánh Dư-Bến xe Mỹ Đình) và 45 (Khu đô thị Times City-Nam Thăng Long) từ ngày 01/8/2022.

Công ty này cũng đã phát đi thông báo tới toàn thể cán bộ, công nhân viên về việc dừng hoạt động và chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 15/8/2022 do đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Nguyên nhân dừng hoạt động được đại diện Công ty Bắc Hà cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, việc kinh doanh của công ty này tại tỉnh Bắc Giang đứt gãy, không hiệu quả.

Trong khi đó, doanh thu vận tải khách sụt giảm nghiêm trọng, chi phí xăng dầu, sửa chữa... tăng cao liên tục nhiều năm gần đây.

Theo đó, hiện toàn bộ 57 ô tô phục vụ cho các tuyến buýt số 41 đến 45 đều được thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Bắc Ninh để vay vốn kinh doanh. Ngày 24/6 vừa qua, công ty nhận được thông báo nợ quá hạn của ngân hàng, tính đến thời điểm trên đã nợ quá hạn 55 ngày đối với số tiền gốc là hơn 54 tỷ đồng.

Ngân hàng yêu cầu phải thực hiện kịp thời, đầy đủ nghĩa vụ trả nợ trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của ngân hàng. Nếu trong vòng 15 ngày mà không trả được thì ngân hàng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý bao gồm cả việc xử lý tài sản thế chấp là phương tiện vận tải.

Do đó, Công ty không đảm bảo được nguồn tài chính để duy trì hoạt động, nên phải cơ cấu, thu gọn sản xuất và phải dừng hoạt động vận tải.

Công ty quyết định dừng ngay hoạt động vận tải để đảm bảo cân đối nguồn tài chính đủ chi trả các khoản: tiền lương, tiền phép, hỗ trợ... đối với cán bộ công nhân viên; công nợ cho nhà cung cấp vật tư, nguyên nhiên liệu, dịch vụ; trích nộp đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội để người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm, lương thất nghiệp, chốt năm công tác khi dừng hợp đồng lao động trước thời hạn.

Sự kiện - Cần nhìn nhận thế nào khi doanh nghiệp xe buýt 'cạn tiền', phá sản?

Sở GTVT Hà Nội vừa tiếp nhận kiến nghị của DN Bắc Hà xin bỏ tuyến.

Là đơn vị tư nhân đầu tiên thực hiện xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo chủ trương của HĐND và UBND thành phố Hà Nội từ năm 2005 đến nay, sau gần 17 năm hoạt động, Công ty Bắc Hà đã quản lý vận hành 5 tuyến xe buýt có trợ giá của thành phố Hà Nội.

Thông tin liên quan đến Công ty TNHH Bắc Hà, không chỉ khiến hành khách đi xe buýt mà ngay cả các chuyên gia giao thông, đại diện cơ quan quản lý cũng lo ngại khi hoạt động của mảng dịch vụ này đang gặp nhiều khó khăn.

"Có thể chỉ là một việc hết sức bình thường"

Trao đổi với Người Đưa Tin trước thông tin này, Tiến sỹ Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông cho rằng việc Bắc Hà rút ra khỏi "cuộc chơi" là một diễn biến bình thường trên thị trường khi doanh nghiệp không còn đủ năng lực tài chính và khả năng kinh doanh. 

"Đây bản chất là một dạng hợp đồng kinh tế do đó chúng ta phải coi việc Bắc Hà hay bất kỳ một doanh nghiệp vận tải nào dừng hoạt động hay phá sản là một việc hết sức bình thường theo quy luật thị trường. Đó là chưa kể Bắc Hà còn là doanh nghiệp được trợ giá bởi nhà nước do tham gia vào hoạt động vận tải hành khách công cộng", ông Bình khẳng định. 

Bên cạnh đó, ông Bình cũng cho rằng không cần quá lo lắng bởi nếu doanh nghiệp này xin ngừng khai thác vận hành 5 tuyến buýt mang số hiệu 41, 2, 43, 44 & 45 thì chắc chắn Sở GTVT Hà Nội sẽ mời đơn vị khác tham gia vào tuyến đó. Do đó đây có thể đơn thuần chỉ là việc thay thế đơn vị khai thác vận hành chứ không phải là xóa bỏ tuyến. 

Ở một góc độ khác, TS. Phan Lê Bình cũng chỉ ra rằng Công ty TNHH Bắc Hà là một doanh nghiệp kinh doanh đa lĩnh vực, do đó việc gặp khó khăn trong hoạt động tài chính đến mức phá sản có thể không chỉ đơn thuần là từ hoạt động vận tải hành khách công cộng mà còn từ nhiều lĩnh vực kinh doanh khác của doanh nghiệp này. 

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội (HAPTA) cũng cho rằng việc Bắc Hà rút ra khỏi cuộc chơi là một diễn biến tự nhiên khi doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng đã quá đuối sức từ nhiều cú sốc trong suốt thời gian vừa qua. Tuy nhiên điểm đáng buồn là thực tế trong lịch sử vận tải hành khách công công trên địa bàn Hà Nội, chưa từng có tiền lệ doanh nghiệp buýt xin bỏ tuyến.

“Tôi đau xót chia buồn cùng Bắc Hà Bus -  doanh nghiệp đầu tiên tham gia xã hội hóa với 5 tuyến buýt vừa công bố phá sản cũng như với nhiều buýt truyền thống đang trên đà phá sản”, ông Thông chia sẻ đồng thời khẳng định đây là có lẽ chỉ là "phát súng" đầu tiên bởi thực tế các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn.

"Các cơ quan chức năng của Thành phố sẽ phải xem xét lại các nguyên nhân cụ thể dẫn tới lý do trên để có những giải pháp trước mắt và lâu dài, đảm bảo vận tải hành khách bằng xe buýt của thành phố có thể phát triển bền vững. Trong nhiều năm tới, trong khi chờ có thêm các tuyến đường sắt đô thị khác ngoài Cát Linh - Hà Đông, xe buýt vẫn là phương tiện công cộng quan trọng bậc nhất của Thủ đô", ông Thông nói.

Sự kiện - Cần nhìn nhận thế nào khi doanh nghiệp xe buýt 'cạn tiền', phá sản? (Hình 2).

Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội (HAPTA).

Theo đó Chủ tịch HAPTA nhấn mạnh: “Nên chăng, Thành phố Hà Nội cần khẩn trương kích hoạt hệ thống chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, tính đúng, tính đủ chi phí & đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực của hệ thống này,

Trật tự giao thông đường bộ là mục đích của vận tải hành khách công cộng, Thành phố quyết định giá thành vì lợi ích của việc đi lại của dân chúng đô thị”.

Bên cạnh đó, ông Thông cho biết Hiệp hội đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Sở GTVT Hà Nội cũng như UBND Thành phố sớm có những giải pháp gỡ khó. Gần đây nhất, Hiệp đội đã kiến nghị xem xét điều chỉnh kế hoạch sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện đang phải chịu suy giảm sản lượng do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Tăng tần suất trên tất cả các tuyến VTHKCC, tạo thêm công ăn, việc làm để cải thiện thu nhập cho người lao động...

Đối với việc Bắc Hà xin ngừng tuyến buýt, Chủ tịch HAPTA nhận định: Chắc chắn Sở GTVT Hà Nội sẽ mời đơn vị khác tham gia vào tuyến đó. Trong trường hợp gấp gáp, có thể thành phố phải chỉ định thầu doanh nghiệp nhà nước tham gia. Đồng thời xem lại giá thầu của loạt tuyến đó, tạo các điều kiện cần và đủ.

Lê Mạnh Quốc

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/can-nhin-nhan-the-nao-khi-doanh-nghiep-xe-buyt-can-tien-pha-san-a569515.html