Elon Musk lo Tesla phá sản, tình hình kinh doanh thực sự ra sao?

Cổ phiếu Tesla đã giảm 35% trong năm nay, ảnh hưởng bởi thương vụ Elon Musk đề nghị mua lại Twitter, Trung Quốc phong tỏa Covid-19 và những bất ổn kinh tế vĩ mô.

Trong quý II/2022 vừa qua, hãng ô tô điện hàng đầu thế giới đến từ Mỹ Tesla báo cáo tổng số xe giao được đạt 254.695 xe và tổng sản lượng sản xuất đạt 258.580 xe. 

Số lượng xe giao được trong quý II/2022 , phản ảnh gần đúng về doanh số bán hàng của hãng, đã sụt giảm so với mức 310.048 xe giao được trong quý đầu năm nay. Nguyên nhân do tác động của các lệnh hạn chế phòng chống Covid-19 tại Trung Quốc, các vấn để gián đoạn chuỗi cung ứng, sự thiếu hụt chip bán dẫn và các bộ phận khác.

Số lượng xe giao được của Tesla trong quý II/2022 tăng 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 17,9% so với quý I/2022. Trong buổi họp cổ đông quý I năm nay, Tesla cho biết: "Chúng tôi có kế hoạch gia tăng năng lực sản xuất của mình nhanh nhất có thể. Trong dài hạn nhiều năm, chúng tôi dự báo đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 50% về lượng xe giao được".

Hồi tháng 4, tỷ phú Elon Musk, giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla, nhận định sản lượng xe tổng thể của Tesla quý II sẽ "ngang bằng" với quý đầu tiên, nhờ vào sự phục hồi tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong quý vừa qua, Tesla đã phải đóng cửa hoặc chỉ hoạt động một phần tại nhà máy ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc kéo dài nhiều tuần liền, nguyên nhân do các quy định liên quan đến đại dịch Covid-19. Các vấn để của chuỗi cung ứng đã trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, cũng ảnh hưởng đến Tesla nói riêng và ngành công nghiệp ô tô nói chung trong quý vừa qua. 

Thế giới - Elon Musk lo Tesla phá sản, tình hình kinh doanh thực sự ra sao?

Hình ảnh bên ngoài bữa tiệc khai trương “Cyber Rodeo” của công ty sản xuất Tesla Giga Texas ở  thành phố Austin, bang Texas, Mỹ vào hôm 07/04/2022. Ảnh: Getty Images.

Bên cạnh đó, Tesla hiện phải đối mặt với chi phí cao trong việc xây dựng và bắt đầu sản xuất tại các nhà máy mới ở thành phố Austin, bang Texas, Mỹ và nhà máy tại thủ đô Berlin, Đức. Vào tháng 6 vừa qua, ông Elon Musk đã chia sẻ rằng các nhà máy mới của Tesla như những "lò đốt tiền khổng lồ", đang tiêu tốn hàng tỷ USD trong khi gặp khó khăn để tăng sản lượng.

Cũng vào tháng 6, Tesla tuyên bố nâng giá bán đối với một số mẫu xe của hãng tại Mỹ và Trung Quốc, sau khi Elon Musk cảnh báo về áp lực lạm phát đã tác động đến giá nguyên liệu và hoạt động logistics. Hãng tin CNBC nhận định trong bối cảnh ngày càng nhiều hãng sản xuất ô tô đối thủ tham gia vào thị trường xe điện toàn cầu, thị phần của Tesla dự báo ​​sẽ giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao đáng kể.

Tình hình tồi tệ đến mức, CEO Tesla Elon Musk phải thừa nhận: "Hai năm qua là một cơn ác mộng vì gián đoạn chuỗi cung ứng, hết việc này đến việc kia xảy ra".

Ông Musk cho biết trong một cuộc phỏng vấn với một nhóm chủ xe Tesla: "Chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi rắc rối này đâu. Lúc nào chúng tôi cũng phải suy nghĩ giữ nhà máy hoạt động bằng cách nào, để có tiền trả lương nhân viên và công ty không phá sản".

Tính đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu của Tesla đã sụt giảm 35% trong năm nay, ảnh hưởng bởi thương vụ Giám đốc điều hành Elon Musk đề nghị mua lại Twitter Inc (TWTR.N) trị giá 44 tỷ USD, các biện pháp phong tỏa chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc và những bất ổn kinh tế vĩ mô.

 

Phạm Hà Thanh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/elon-musk-lo-tesla-pha-san-tinh-hinh-kinh-doanh-thuc-su-ra-sao-a569536.html