BA.4, BA.5 thoát miễn dịch mạnh gấp 4,2 lần BA.2 dù đã tiêm phòng Covid-19
Công trình dẫn đầu bởi bác sĩ David D. Ho (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Aaron Diamond AIDS - Mỹ) và giáo sư y khoa Helen Wu (từ trường y khoa Columbia University Vagelos College of Physicians and Surgeons - Mỹ) đã xem xét khả năng "thoát miễn dịch" của 3 biến chủng phụ Omicron mới là BA.2.12.1, BA.4 và BA.5, bộ ba đang gây làn sóng Covid-19 mới trên toàn cầu.
Cụ thể ba biến chủng phụ này được đem đối chiếu với BA.2 Omicron, "kẻ thống trị" toàn cầu kể từ làn sóng Omicron đầu tiên cho đến khi bị BA.5 "soán ngôi" vào tuần trước, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Nghiên cứu từ Mỹ được công bố trên tạp chí khoa học Nature cho thấy BA.2.12.1 chỉ có khả năng thoát miễn dịch (tức chống lại miễn dịch được tạo ra bởi vắc-xin và các lần nhiễm Covid-19 trước) cao hơn BA.2 "một cách khiêm tốn" - 1,8 lần. Trong khi đó, cặp đôi BA.4 và BA.5 có khả năng thoát miễn dịch mạnh hơn BA.2 tới 4,2 lần.
Các nhà khoa học giải thích rằng đột biến F486V được tìm thấy trong BA.4 và BA.5 tạo điều kiện thuận lợi cho việc thoát khỏi một số kháng thể nhóm 1 và 2, dù làm giảm ái lực tăng đột biển đối với thụ thể virus. Tuy nhiên, đột biến đảo ngược R493Q mà chúng đồng thời sở hữu đã khôi phục ngay ái lực bị mất mát đó.
Qua các nghiên cứu, các dòng biến thể phụ mới này không chỉ chống lại kháng thể do vắc-xin và các lần nhiễm SARS-CoV-2 trước đó, các dòng phụ mới này cũng làm giảm hiệu lực của một số loại kháng thể điều trị được phép sử dụng trong lâm sàng. Trong số các loại được phê duyệt chỉ có bebtelovimab là giữ nguyên hiệu lực.
Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu này đều là những người đã có miễn dịch khá tốt nhờ tiêm 3 mũi hoặc tiêm 2 mũi sau đó nhiễm đột phá. Vắc-xin các tình nguyện viên này sử dụng là vắc-xin mRNA.
Tờ Medical Xpress dẫn lời bác sĩ Ho: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khi những biến chủng phụ có khả năng lây truyền cao lan rộng toàn cầu, chúng sẽ dẫn đến nhiều ca nhiễm đột phá hơn ở những người đã được tiêm chủng và tiêm chủng tăng cường với vắc-xin mRNA hiện có".
Bác sĩ Ho cũng nhấn mạnh, mặc dù các dòng phụ mới có khả năng gây ra nhiễm đột phá cao, nhưng tiêm vắc-xin vẫn chứng minh được hiệu quả tốt trong việc chống lại bệnh nặng.
Các “ông lớn” chạy đua tạo vắc-xin chống biến thể BA.4, BA.5
Trước làn sóng biến thể phụ BA.4 và BA.5 Omicron gây lo ngại toàn cầu không chỉ vì chúng lây nhanh, mà còn vì vắc-xin "đời cũ" đã dần thua cuộc trước khả năng biến đổi của SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19.
Theo Reuters, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã có động thái thúc đẩy vắc-xin nhắm mục tiêu Omicron sau cuộc họp với các cơ quan quản lý y tế toàn cầu. EMA thừa nhận, vắc-xin phòng Covid-19 hiện tại vẫn tiếp tục tốt trong việc chống nhập viện và tử vong nhưng hiệu quả phòng bệnh thì đã bị ảnh hưởng khi SARS-CoV-2 không ngừng phát triển.
Đó cũng là lời khuyến nghị của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 1/7. Một nghiên cứu từ hồi tháng 4 do FDA chủ trì cũng đã thừa nhận việc bảo vệ khỏi bệnh nặng tốt nhưng chống lây nhiễm thì kém của vắc-xin cơ bản.
Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu sinh học của FDA Peter Marks cho rằng mũi tăng cường thứ 2 (mũi 4) nên là mũi "chốt lại" liệu trình vắc-xin cơ bản, các mũi sau này nên là vắc-xin cải tiến hiệu quả hơn và không đòi hỏi tiêm nhắc quá thường xuyên.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, ba "ông lớn" trong lĩnh vực vắc-xin là Pfizer, Moderna và Novavax lần lượt công bố về vắc-xin kháng Omicron đang thử nghiệm, dự kiến sẽ kịp cho chiến dịch tiêm nhắc của Âu - Mỹ mùa thu tới. Cả 3 đều tuyên bố vắc-xin của họ có hiệu quả để chống lại 2 dòng phụ mới nhất của Omicron là BA.4 và BA.5, dù chủ yếu được thiết kế dựa trên BA.1.
Hiệu quả của liều tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 đã có nghiên cứu
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể BA.5 đang lây lan nhanh trên thế giới đã xâm nhập vào nước ta. Để phòng bệnh, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bằng các biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội sẽ không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
"Vì vậy, vắc-xin tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng. Khi tiêm mũi 3, mũi 4, vắc-xin phòng Covid-19 chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể phụ BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại", GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Khả năng miễn dịch của vắc-xin hay sau khi đã mắc Covid-19 sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 - 6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập.
Từ kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vắc-xin liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2.
Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy, nếu được tiêm liều nhắc lại, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%.
Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cũng cho thấy, những người từng mắc Covid-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc lại thì hiệu quả này lên đến 67,6%.
Trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc-xin phòng Covid-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do Covid-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Trúc Chi
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bien-chung-ba4-va-ba5-co-kha-nang-xuyen-thung-mien-dich-rat-cao-a569840.html