Thị trường mở cửa phiên giao dịch ngày 7/7 ghi nhận sự hồi phục của nhiều cổ phiếu lớn, điều này giúp các chỉ số có sự hồi phục nhất định. Tuy nhiên, đà hồi phục cũng không duy trì được quá lâu khi áp lực bán tiếp tục dâng cao ở hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu như dầu khí, năng lượng, một số mã có thể kể đến như PVS, PVD, GAS…
Hàng loạt các nhóm ngành cổ phiếu giảm sâu ở các phiên ngày 6/7 như phân bón hóa chất, bán lẻ... đều hồi phục. Trong đó, tại nhóm phân bón hóa chất, nhiều mã xác lập đà tăng như DGC, CSV, DPM , DCC… Ở nhóm bán lẻ, FRT, DGW, PET tăng tích cực. Nhờ dòng tiền bắt đáy xuất hiện, tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 5,81 điểm lên 1.155,42 điểm.
Sang đến phiên chiều, dòng tiền giằng co thời điểm đầu phiên giao dịch khiến có thời điểm chứng khoán lùi về dưới tham chiếu. Tuy nhiên, đà tăng xuất hiện tại các nhóm vốn hóa lớn của thị trường như bất động sản, ngân hàng… giúp chỉ số phục hồi và đi lên. Dù thanh khoản không bứt phá song thị trường phục hồi đáng kể.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 16,87 điểm, tương ứng 1,47% lên 1.166,48 điểm, đây cũng là mức cao nhất của ngày giao dịch 7/7. Toàn sàn có 248 mã tăng, 183 mã giảm và 84 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,06 điểm, tương ứng 0,02% xuống 271,86 điểm. Toàn sàn có 92 mã tăng, 91 mã giảm và 61 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,16 điểm, tương ứng 0,19% lên 86,38 điểm. Chỉ số đại diện nhóm vốn hóa lớn VN30 tăng hơn 17 điểm và đóng vai trò dẫn dắt thị trường.
Nhóm ngân hàng góp mặt nhiều nhất trong danh sách các mã kéo chỉ số đi lên. VCB là mã tác động tích cực nhất. Ngoài ra, sắc xanh cũng phủ lên nhóm cổ phiếu này. Các mã có biên độ dao động từ 1-4%, có thể kể tới một số mã như CTG, HDB, LPB, MBB, OCB…
VIC cũng là một trong những mã tác động tích cực nhất đến chỉ số. Mới phiên hôm qua, VIC giảm gần sát giá sàn và là mã kéo chỉ số chung xuống thì nay đã đảo chiều khi tăng lại 3,41%. Nhóm cổ phiếu “họ Vingroup” còn có VHM đóng góp tích cực đến thị trường khi tăng tới hơn 3% với hơn 2 triệu cổ phiếu được sang tay.
Ngoài ra, VNM, một mã được khối ngoại mua ròng đột biến hôm nay cũng tăng 3,25%, MSN của Masan Group có thêm 3% đạt 103.000 đồng/cổ phiếu hay DGC của Hóa chất Đức Giang lấy lại điểm số đã mất hôm trước bằng một phiên tăng kịch trần.
Nhóm bán lẻ sau phiên giảm mạnh đã lấy lại thị giá. FRT, DGW, PNJ… đều xác nhận tăng điểm. Cổ phiếu đầu cơ FLC tiếp tục giảm hơn 4% và chỉ có 5,7%. Sau những phiên tăng “nóng”, FLC đang có 2 phiên điều chỉnh.
Ngược lại, các mã dầu khí lại tác động tiêu cực tới thị trường. Giá dầu trên thế giới vẫn đang đi xuống là nguyên nhân kìm đà tăng của thị trường. Mã đại diện GAS của PV Gas tiếp tục mất 1,8% về 94.100 đồng/cổ phiếu và là đại diện của nhóm dầu khí tác động tiêu cực nhất đến thị trường, BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn mất hơn 5% giá trị, PVC rơi 3,9%...
Khối ngoại sau 4 phiên bán ròng liên tiếp đã quay trở lại mua ròng. Khối này giải ngân 1.112 tỷ đồng nhưng bán ra chỉ 624 tỷ đồng. Tính chung, khối ngoại mua ròng đột phá 487 tỷ đồng. VNM là mã được mua nhiều nhất với 121 tỷ đồng, ngoài ra, VND được mua 54 tỷ đồng, VCB được mua 41,41 tỷ đồng, CTG được mua 34,15 tỷ đồng, VCH được mua 29,15 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường ở mức thấp với tổng giá trị khớp lệnh đạt 9.042 tỷ đồng (giảm 32,5% so với phiên trước) thấp nhất kể từ ngày 27/11/2020 (9.011 tỷ đồng), trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 30% xuống mức 7.759 tỷ đồng. Nhóm VN30 chỉ được sang tay hơn 3.800 tỷ đồng trong phiên.
Trần Thu Thảo
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/thanh-khoan-giam-manh-chung-khoan-van-bat-tang-a569990.html