Đề án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh quả thực đã vẽ lên viễn cảnh mà mọi người dân và cả giới chuyên gia gọi là “trong mơ". Biến con sông “chết" của thành phố Hà Nội bao năm nay, giờ trở thành một không gian tuyệt đẹp với hàng loạt các công trình văn hóa trải dài khắp hai bên sông.
Không chỉ vậy, đề án còn đề xuất xây dựng hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm ngay dưới mặt đất dọc sông Tô, như một phương án “cứu cánh" cho phố phường Hà Nội những ngày mưa lớn.
Quy hoạch cần có sự kế thừa
Có lẽ chính bởi yếu tố “trong mơ", tuy nhìn nhận chung của các chuyên gia cho rằng đây là ý tưởng sáng tạo, táo bạo, nên Đề án vẫn cần chú ý tới nhiều vến đề thì mới có thể đưa vào thực tiễn thành công.
Xét về mặt quy hoạch đô thị, chia sẻ với Người Đưa Tin, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Dự án cải tạo là một tư tưởng mạnh mẽ nhưng cũng cần thống nhất lại quan điểm rằng đây không phải vấn đề mới. Cách đây gần 30 năm, Hà Nội đã đặt ra và đã có định hướng rồi”.
Với dự án lần này, chúng ta đã “tái khởi động” những dự án đã có từ trước, vậy nên tất cả đều rất đáng hoan nghênh.
Song, nhìn lại những năm trước đây, trong quá trình nghiên cứu phát triển thủ đô, từ QĐ Quy hoạch được duyệt năm 1992, chúng ta đã có nghiên cứu về sông Tô Lịch, đến năm 1998, việc phát triển mạnh mẽ quy hoạch đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội được đề cập nhiều hơn, thì khai thác sông Tô Lịch là một trong những dự án cần triển khai.
“Năm 1998, Thủ tướng phê duyệt Quyết định có câu: “Sớm nghiên cứu để tổ chức các không gian xanh, sinh thái, văn hoá truyền thống bên các dòng sông", như Sông Tô Lịch, Sông Đáy, Sông Hồng”, ông nhớ lại. Như vậy, vị thế của Sông Tô Lịch đã được hình thành từ rất lâu.
Có thể thấy, trong suốt quá trình vừa qua, Hà Nội đã xây dựng được rất nhiều không gian xanh, khu công cộng đô thị như khu đô thị Yên Hoà, Trung Yên, như những không gian mở, hành lang bảo vệ và kết nối quanh khu vực sông Tô Lịch, sẵn sàng đón nhận những dự án mới.
Do đó, việc JVE đưa ra tiêu chí cho Đề án là không tác động tới cư dân 2 bên sông, không giải phóng mặt bằng để đưa hết công trình ngầm là không hợp lý.
“Bởi phải có sự kế thừa truyền thống từ các công trình ở giai đoạn trước đã thực hiện, đến nay vẫn còn tồn tại như các công trình đô thị mở, thì đề xuất mạnh dạn này của JVE mới có tính khả thi”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ngập úng không phải chuyện đơn giản
Đồng quan điểm với TS. Nghiêm, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho rằng, nếu muốn gia tăng tính khả thi, dự án cần phải xem xét thêm những yếu tố về quy hoạch đô thị mà Hà Nội đã từng và đang triển khai, bên cạnh đó là vấn đề về chống úng ngập, xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp phải đánh giá đồng thời.
Bởi hệ thống thoát nước, chống úng ngập của Thủ đô đã được hình thành từ những năm 1985, nên phải kết hợp, đưa ra kế hoạch thực thi sao cho phù hợp với những ý tưởng mới. Đặc biệt, khu vực trung tâm triển khai mà JVE hướng tới cho dự án là khu phố Võ Chí Công - khu vực có địa hình cao của Thành phố, song Hà Nội lại có địa hình dốc từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, nên “cái rốn" lại rơi vào khu vực Thanh Liệt.
Đây là vấn đề phức tạp. Từ đó, chuyên gia nhận định, cần phải có phương án kết nối giữa vùng cao, vùng thấp, vùng trũng của Thành phố để có thể hình thành được dự án nhất thể hoá.
Mặc dù, GS.TS cho rằng đây là một dự án khổng lồ mà cả đời mỗi người dân Hà Nội nói chung và những người gắn liền với nghiên cứu về nước thải nói riêng như ông đều “mơ mộng" tới.
Ngoài những vấn đề trên, kinh phí thực hiện dự án cũng là điều các chuyên gia băn khoăn. “Việc thành công hay không còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, kinh phí từ đâu cho dự án. Nếu nguồn vốn ODA từ Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ thì đó là một điều tốt”, ông Nhuệ chia sẻ.
Trước đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE đã trả lời với Người Đưa Tin về vấn đề này: “Nhật Bản đã rất sẵn sàng hỗ trợ nguồn vốn ODA cho Việt Nam thực hiện Đề án này, với con số lên tới hàng tỉ USD”. Từ đó, cho thấy những tín hiệu tốt từ phía “người bạn" Nhật Bản trong việc đồng hành cùng Việt Nam thực thi Đề án.
Nguyễn Minh Uyên
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cai-tao-song-to-lich-thanh-cong-vien-van-de-quy-hoach-nam-o-dau-a570075.html