Vùng áp thấp hình thành trên Biển Đông, nhiều vùng đất liền sẽ có mưa xối xả, gió giật mạnh

Trên khu vực giữa Biển Đông hình thành một vùng áp thấp, dự báo trong 24 giờ tới có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

 Chiều 9/07, trên khu vực Giữa Biển Đông hình thành một vùng áp thấp. Lúc 13 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 14,5-15,5 độ Vĩ Bắc; 113,5-114,5 độ Kinh Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp nên đêm 9/7 và ngày 10/7, ở khu vực Nam Biển Đông có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; riêng vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2,0-3,5m.

Trên Biển Đông có khả năng hình thành áp thấp nhiệt đới.

Ngoài ra, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, Vịnh Thái Lan, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Cảnh báo từ khoảng ngày 11-13/7 ở vùng biển phía Nam của Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) tiếp tục có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao từ 2,0-4,0m. Biển động mạnh.

Ngày 9/7, ở khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Lượng mưa tính từ 07h đến 20h ngày 09/7 có một số nơi trên 60mm như: Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) 121.4mm, Trà My (Quảng Nam) 86.8mm, Tây Trà (Quảng Ngãi) 82.8mm, Hòa Vang (Đà Nẵng) 76.8mm, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) 68mm…

Dự báo từ đêm 9/7 đến ngày 11/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 40-70mm/24h, có nơi trên 100mm/24h.

Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-50mm, có nơi trên 80mm. Cảnh báo mưa vừa, mưa to ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và mưa dông ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 12/7. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại Tây Nguyên và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Nhận định hình thế thời tiết từ đêm 11 đến ngày 19/7

Dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Trung Bộ, từ khoảng ngày 13/7 hoạt động yếu dần. Áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây, khoảng ngày 12-13/7 suy yếu và rút dần ra phía Đông, khoảng 2-3 ngày cuối có xu hướng hoạt động mạnh dần lên và lấn trở lại về phía Tây.

Ở phía Nam, gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh, từ khoảng ngày 13/7 có xu hướng hoạt động yếu dần. Cảnh báo:

- Bắc Bộ: Từ khoảng ngày 13-15/7 có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to.

- Khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế: Từ khoảng đêm 11 đến ngày 15/7 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to (mưa tập trung vào chiều và đêm).

- Khu vực các tỉnh từ Đà Nẵng-Bình Thuận: Đêm 11 đến ngày 12/7, có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to. Từ ngày 13-16/7 có mưa rào và dông rải rác (mưa tập trung vào chiều tối).

- Tây Nguyên và Nam Bộ: Từ đêm 11 đến ngày 12/7 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Từ ngày 13/7 có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và tối). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.     

H.A

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vung-ap-thap-hinh-thanh-tren-bien-dong-nhieu-vung-dat-lien-se-co-mua-xoi-xa-gio-giat-manh-a570175.html