Trái giác (hay còn gọi là nho rừng) là một trong những loại dây leo, mọc hoang ngoài rừng, vườn tạp, bờ rào và phát triển mạnh trên đồng đất Cà Mau. Chúng có trái bằng đầu ngón tay, màu xanh và khi chín chuyển màu tím.
Anh Ngọc Thìn (40 tuổi) - sống tại miệt U Minh cho biết: “Xưa cứ đến mùa hè là người dân đi rừng lại bắt gặp những chìm giác nhỏ nhỏ, hình tròn hơi dẹp, màu xanh non bóng bẩy hoặc chín đen xen lẫn trong lá. Người ta lại hái ăn thử thấy vị chua thanh dễ chịu rồi vặt vài nắm đem về nấu canh chua, kho cá hoặc ủ rượu. Dần dần người ta trở nên “say mê” thứ quả ấy và nó đi sâu vào đời sống của bao thế hệ, trở thành một phần văn hóa ẩm thực U Minh”.
Trái giác (hay còn gọi là nho rừng) là một trong những loại dây leo, mọc hoang ngoài rừng, vườn tạp, bờ rào và phát triển mạnh trên đồng đất Cà Mau.
Cũng theo anh Thìn, giác mọc thành từng giàn, leo lên những ngọn tràm cao vút. Vì thế muốn hái chúng không phải dễ. Người dân đi rừng phải khéo léo luồn qua cây tràm mới có thể ngắt được chùm giác ngon theo ý mình.
“Nếu thích vị chua chát, người ta sẽ trọn trái giác non, còn ưa chua thanh có thể ngắt giác già. Nếu ai thích chua ngọt thì phải hái chùm giác đã chuyển sang màu phớt hồng hoặc tím đậm. Đặc biệt trái giác chín tạo ra màu tím nhạt tự nhiên trông vô cùng đẹp mắt.
Gia đình tôi thích vị chua ngọt nên mỗi lần đi rừng là tôi tranh thủ hái trái giác đã chuyển màu về cho mẹ cho vợ chế biến món canh hoặc kho cá kho thịt. Song tôi ấn tượng nhất là món canh cá canh nước nấu trái giác.
Trái giác chỉ cần rửa thật sạch, cho vào nấu chín rồi tán nhuyễn phần thịt để tăng độ chua và màu cho nước canh. Nước sôi cho cá hoặc lươn vào, nêm nếm vừa ăn, khi gần nhắc xuống mới cho rau vào để giữ độ tươi là có thể thưởng thức được”, anh Ngọc Thìn chia sẻ.
Nếu thích vị chua chát, người ta sẽ trọn trái giác non, còn ưa chua thanh có thể ngắt giác già.
Vị chua của trái giác rất dịu, đi kèm mùi thơm nhẹ dễ chịu. Bạn chỉ cần gắp miếng thịt lươn cùng mấy cọng rau muống chấm vào chén nước mắm ớt sẽ cảm nhận hết vị của vùng sông nước miền Tây.
Nếu như với canh chua, người miền Tây tùy chọn bất kỳ giác chín hay non thì với món kho chỉ trái giác già với vị chua thanh mới làm nên hương vị đặc trưng của nó. Trái giác chín có màu tím nhạt khiến màu cá kho bớt hấp dẫn nên không được dùng, còn giác non có vị chát cũng ảnh hưởng đến nước kho.
“Dù người dân U Minh đã tranh thủ hái trái giác về chế biến giống như gia vị riêng nhưng chúng vẫn có nhiều đến mức không ai hái hết để rụng hoặc chim rỉa. Sau này, người ta biết đến nhiều hơn nên nó trở thành đặc sản nổi tiếng. Đặc biệt họ còn tận dụng nó để làm nên một loại đặc sản mới.
Trái giác nấu canh chua.
Theo ướp trái chín với đường cát rồi cho lên men tự nhiên để tạo thành rượu, có thể bảo quản đến vài năm, càng lâu càng đượm. Tỷ lệ đường và trái lại tùy theo từng người, từng nhà để cho ra món rượu ngon”, anh Ngọc Thìn cho hay.
Rượu trái giác có màu đỏ tím đẹp mắt, thơm và dễ uống mà cũng dễ say. Nhưng do không pha cồn nên nếu dùng với tỷ lệ vừa phải, rượu giác cũng giúp bữa ăn ngon miệng hơn.
Hiện tại trái giác được rao bán trên các trang thương mại điện tử cũng như chợ online với giá 70.000 đồng/kg.
K.T