Theo Điểm c Khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển xe môtô hai bánh, môtô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính khi tham gia giao thông. Như vậy, việc sử dụng tai nghe khi điều khiển phương tiện giao thông được xem là hành vi vi phạm.
Theo quy định tại Điểm h Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tai nghe khi điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy.
Bên cạnh hình phạt tiền, người điều khiển xe sử dụng tai nghe còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Thẩm quyền xử phạt
Theo quy định tại Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi đeo tai nghe khi điều khiển xe môtô, xe gắn máy thuộc về:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt trong phạm vi quản lý của địa phương mình.
- Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đeo tai nghe khi điều khiển ôtô có bị phạt không?
Trên thực tế, Nghị định 100/2019/NĐ-CP không có quy định xử phạt đối với người điều khiển ôtô sử dụng tai nghe hay thiết bị âm thanh. Đồng nghĩa với việc sử dụng tai nghe khi điều khiển ôtô không được quy định là hành vi vi phạm pháp luật và người điều khiển sẽ không bị xử phạt.
Hoàng Yên (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tu-nam-2022-deo-tai-nghe-khi-dieu-khien-oto-co-bi-phat-khong-a570487.html