Bộ Y tế "siết" quản lý mang thai hộ

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường đề phòng mang thai hộ vì mục đích thương mại tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật này.

Ngày 12/7, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) đã có công văn số 3704/BYT-BM-TE gửi Sở Y tế các tỉnh, thành; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Cục Quân y, Bộ Quốc phòng và Y tế các bộ, ngành về việc tăng cường phòng chống vi phạm pháp luật về thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Theo nội dung công văn, trong thời gian vừa qua, tình hình mang thai hộ vì mục đích thương mại, đẻ thuê, lựa chọn giới tính thai nhi có xu hướng diễn biến phức tạp. Một số báo liên tục đăng các bài phản ánh về các đường dây đẻ thuê (mang thai hộ vì mục đích thương mại), mua bán tinh trùng/trứng/phôi đang bị các cơ quan chức năng điều tra và xử lý theo pháp luật.

Để bảo đảm việc chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản; phòng tránh tình trạng buôn bán tinh trùng, noãn, phôi trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, mang thai hộ vì mục đích thương mại hoặc các hành vi tiếp tay, tham gia vào những đường dây phi pháp nêu trên của cán bộ y tế, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Cục Quân y, Bộ Quốc phòng; Y tế các bộ, ngành; các bệnh viện trực thuộc Bộ chỉ đạo các cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (sau đây gọi là các cơ sở) thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường các biện pháp chống nhầm lẫn hoặc tráo đổi, mua bán tinh trùng/noãn/phôi.

Cụ thể, rà soát, hoàn thiện quy trình chống nhầm lẫn tinh trùng/noãn/phôi và phổ biến đến tất cả nhân viên; quy trình lấy mẫu tinh dịch nên có nội dung về việc kiểm soát để bảo đảm mẫu tinh dịch được lấy đúng người và lấy tại bệnh viện, đề phòng tráo mẫu tinh dịch mang từ ngoài vào.

Bộ Y tế khuyến khích các cơ sở đầu tư và sử dụng phần mềm quản lý các trường hợp cho/nhận tinh trùng/noãn/phôi, thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (MTH vì MĐNĐ). Việc nhận diện người bệnh và giao tử không chỉ bằng giấy tờ cá nhân mà có thể sử dụng các kỹ thuật nhận diện sinh trắc học hiện đại như chụp ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt để phòng tránh nhầm lẫn hoặc tráo đổi do sử dụng giấy tờ giả. Nên lưu trữ mẫu tinh dịch và mẫu máu để đối chiếu sau này.

Xây dựng quy trình vận chuyển, tiếp nhận tinh trùng/noãn/phôi giữa các bệnh viện và thường xuyên kiểm tra để phòng tránh việc tráo đổi. Trong quy trình nhận/chuyển phôi, bình trữ phôi và hồ sơ kèm theo cần được bàn giao giữa 2 bệnh viện và có thông tin phản hồi để đảm bảo phôi được chuyển đến đúng đơn vị nhận phôi, phòng tránh việc tráo hồ sơ hoặc phôi bị chuyển cho người khác với mục đích đẻ thuê.

Thứ hai, tăng cường đề phòng mang thai hộ vì mục đích thương mại tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật MTH vì MĐNĐ.

Chỉ định mang thai hộ cần được xét duyệt cẩn thận và được lãnh đạo bệnh viện ký chỉ định. Để bảo đảm xác định mối quan hệ thân thích cùng hàng giữa người MTH và người nhờ MTH, ngoài Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, bệnh viện có thể yêu cầu gia đình cung cấp các giấy tờ có liên quan để đối chiếu.

Khuyến khích các cơ sở ký hợp đồng với công ty Luật về tư vấn pháp lý, trong đó cần có đầy đủ các điều khoản để ràng buộc trách nhiệm trong việc tư vấn pháp lý.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát nội bộ, bảo đảm nhân viên tuân thủ các quy định chống nhầm lẫn, tráo đổi tinh trùng/noãn/phôi. Các cơ sở cần có quy định về việc xử lý nghiêm các nhân viên vi phạm quy định chống nhầm lẫn hoặc để việc nhầm lẫn/tráo đổi xảy ra; tham gia hoặc tiếp tay cho các đường dây buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, đẻ thuê.

Thường xuyên tập huấn, cập nhật cho cán bộ của đơn vị về các quy định chuyên môn và pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, trong đó đặc biệt lưu ý Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 quy định về sinh con bằng kỹ thuật TTTON và MTH vì MĐNĐ; Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghiêm túc thực hiện các quy định đã nêu tại các công văn số 3067/BYT-BMTE ngày 03/6/2019; 2640/BYT-BM-TE ngày 09/4/2021, 4870/BYT-BMTE ngày 17/6/2021 (gửi kèm theo).

Có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo pháp luật các trường hợp buôn bán tinh trùng/noãn/phôi, mang thai hộ vì mục đích thương mại hoặc các hành vi tiếp tay cho những đường dây phi pháp nêu trên.

Đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các Bệnh viện trực thuộc Bộ; Y tế các bộ, ngành; Cục Quân y, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về TTTON và MTH vì MĐNĐ tại địa bàn, đơn vị mình. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo cáo ngay về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Vụ Pháp chế) để giải quyết theo thẩm quyền.

Cũng theo nội dung công văn, hiện cả nước có 45 cơ sở hỗ trợ sinh sản trong và ngoài công lập.

 

Tuệ Minh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-y-te-siet-quan-ly-mang-thai-ho-a570593.html