Sáng 15/7, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo, tọa đàm “Giới thiệu bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp (DBI) - Ứng dụng giải pháp thực tiễn trong việc nâng cao điểm chỉ số DBI”.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, chuyển đổi số được nhắc đến như một xu hướng tất yếu. Các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp đều quan tâm đến chuyển đổi số bởi những hiệu quả và lợi ích về kinh tế, xã hội.
Dẫn nghiên cứu của Microsoft tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, ông Hoàng Quang Phòng cho biết năm 2017, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%.
“Việt Nam là một nước đang phát triển với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng và linh hoạt, các doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội bắt kịp xu thế chung của nền kinh tế thế giới cũng như nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa nếu thất bại trong công cuộc chuyển đổi số”, Phó Chủ tịch VCCI cho biết đồng thời khẳng định doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, nâng cao năng lực đổi mới, sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng cho rằng chuyển đổi số đã và đang trở thành xu hướng tất yếu cho doanh nghiệp thuộc tất cả lĩnh vực. Doanh nghiệp muốn phát triển mạnh mẽ và vươn lên vị trí tiên phong thì điều kiện tiên quyết là phải nhanh chóng nắm bắt và áp dụng mô hình chuyển đổi số.
Hiện nay để đo lường hiệu quả chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng bộ chỉ số chuyển đổi số.
Mục đích của bộ chỉ số chuyển đối số này là giúp từng doanh nghiệp xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số để có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp.
Từ đó, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ hơn. Mặc dù bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số tại các nước khác nhau được xây dựng khác nhau nhưng đều dựa trên những nguyên tắc và nguyên lý chung.
Ở Việt Nam, Bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp (tiếng Anh là “Digital Business Indicators”, viết tắt DBI) đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và đưa vào dùng thí điểm. Việc ra đời của DBI hướng tới mục tiêu ban hành thống nhất Bộ chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp làm công cụ, thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng, mức độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dùng chung trên phạm vi cả nước.
Bộ công cụ đánh giá dựa trên 6 trụ cột áp dụng cho quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn và tập đoàn/tổng công ty, bao gồm: (1) trải nghiệm số cho khách hàng, (2) chiến lược, (3) hạ tầng và công nghệ số, (4) vận hành, (5) chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp và (6) dữ liệu tài sản và thông tin.
Triển khai áp dụng bộ chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp để đánh giá rộng rãi các doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm mục tiêu kép. Một mặt, giúp từng doanh nghiệp xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số để có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Mặt khác, vừa tạo được bức tranh tổng thể về chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp số trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn cũng như toàn quốc phục vụ công tác quản lý và chính sách phát triển.
Ông Đường cũng cho biết bộ chỉ số DBI được thiết kế với nhiều cấp độ phù hợp với nhiều loại hình đối tượng doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp lớn và rất lớn.
Theo Đề án, chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa có tổng số 10 chỉ số thành phần và 6 tiêu chí cụ thể. Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp lớn có tổng số 25 chỉ số thành phần và 139 tiêu chí cụ thể. Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số tập đoàn, tổng công ty được tổng hợp trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các đơn vị thành viên nhân với trọng số thích hợp.
Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đưa ra mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp được chia thành 6 cấp độ cụ thể tăng dần từ mức 0 đến mức 5, trong đó mức 0 là chưa chuyển đổi số, mức 1 - Khởi động, mức 2 - Bắt đầu, mức 3 - Hình thành, mức 4 - Nâng cao, mức 5 - Dẫn dắt.
Ở mức cao nhất - mức 5, chuyển đổi số doanh nghiệp đạt mức độ tiệm cận hoàn thiện, doanh nghiệp thực sự trở thành doanh nghiệp số với hầu hết phương thức, mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên và được dẫn dắt bởi nền tảng số và dữ liệu số. Doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt chuyển đổi số, tạo lập hệ sinh thái doanh nghiệp số vệ tinh.
Định hướng trong thời gian sắp tới, ông Nguyễn Trọng Đường cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đánh giá mức độ chuyển đổi số trên Cổng DBI; Tổ chức Mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp; Tổ chức các Hội thảo chuyển đổi số với các địa phương nhằm thúc đấy Chuyển đổi số địa phương; Đẩy mạnh truyền thông: triển khai các hoạt động truyền thông trên báo chí, truyền hình, mạng xã hội; Phối kết hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Lê Mạnh Quốc
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bo-chi-so-xac-dinh-vi-tri-cua-doanh-nghiep-trong-qua-trinh-chuyen-doi-so-a570756.html