Thông tư 08/2022/TT-NHNN có hiệu lực ngày 1/9/2022 thay thế Thông tư 08/2017/TT-NHNN ngày 1/8/2017, Thông tư 04/2018/TT-NHNN ngày 12/3/2018.
Trong đó, Thông tư 08/2022/TT-NHNN đã thay đổi về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng như sau:
Bước 1, thu thập, tổng hợp, xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu.
Bước 2, thực hiện các nội dung giám sát tuân thủ và/hoặc giám sát rủi ro.
Hiện hành, Thông tư 08/2017/TT-NHNN quy định phân tích, đánh giá về đối tượng giám sát ngân hàng theo 2 hình thức bao gồm giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô theo các quy định tại Mục 2 và Mục 3 Chương II Thông tư 08/2017/TT-NHNN.
Bước 3, lập báo cáo giám sát, đề xuất các biện pháp xử lý.
Hiện hành, quy định đề xuất các hành động can thiệp, chỉnh sửa bao gồm các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng theo các quy định tại Mục 6 Chương II Thông tư 08/2017/TT-NHNN ngày 30/6/2022.
Ngoài ra, không còn quy định bước 4 về giám sát sau thanh tra khi nhận được kết luận thanh tra về đối tượng giám sát ngân hàng từ đơn vị thực hiện thanh tra ngân hàng.
Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của Chính phủ về việc thực hiện kết luận thanh tra và quy định tại Thông tư này.
Việc giám sát ngân hàng thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại Điều 51 Luật Ngân hàng Nhà nước, Điều 4 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 7/4/2014 của Chính phủ (đã sửa đổi, bổ sung) quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; nguyên tắc kết hợp giám sát tuân thủ với giám sát rủi ro, giám sát an toàn vi mô với giám sát an toàn vĩ mô.
Bên cạnh đó, Thông tư 08/2022/TT-NHNN cũng nêu rõ việc quản lý, lưu trữ tài liệu, thông tin, dữ liệu. Theo đó, tài liệu, thông tin, dữ liệu sau khi được tổng hợp, xử lý phải được lưu trữ, quản lý để phục vụ cho công tác thanh tra, giám sát ngân hàng theo các nguyên tắc:
Tài liệu, thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ một cách khoa học, đầy đủ theo từng hồ sơ của từng đối tượng giám sát ngân hàng và toàn hệ thống.
Tài liệu, thông tin, dữ liệu thu thập phải được lưu trữ theo quy định pháp luật hiện hành về lưu trữ.
Việc quản lý, lưu trữ, sử dụng tài liệu, thông tin, dữ liệu có thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Việc bảo mật thông tin, dữ liệu của tổ chức tín dụng và thông tin khách hàng thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/diem-moi-trong-trinh-tu-thu-tuc-giam-sat-ngan-hang-ap-dung-tu-19-a570855.html