Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về công tác chuẩn bị triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng có vị trí đặc biệt quan trọng, kết nối các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng - thành phố cửa chính ra biển của Thủ đô và các tỉnh phía Bắc với các cảng biển lớn và cảng hàng không quốc tế.
Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố và cả vùng. Đây là công trình lớn, có ý nghĩa và hiệu quả kinh tế, cần có sự tâm huyết, vào cuộc, đoàn kết, thống nhất của các tỉnh, thành phố và sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiệt tình của các bộ, ngành.
Để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và các Bộ: GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 195/TB-VPCP ngày 4/7/2022 của Văn phòng Chính phủ.
UBND tỉnh Thái Bình báo cáo Bộ GTVT để Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền đối với dự án.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với tư vấn thiết kế xác định hướng tuyến, mỏ vật liệu xây dựng, quy mô đầu tư dự án, bảo đảm chặt chẽ theo quy định pháp luật; hoàn thành Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong tháng 8/2022.
Các bộ, ngành rà soát thủ tục, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ và hướng dẫn UBND tỉnh Thái Bình chuẩn bị triển khai, lập hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình theo đúng quy định pháp luật. Phấn đấu hoàn thành phê duyệt đầu tư dự án trong năm 2022 và khởi công dự án trong năm 2023.
Trước đó, Phó Thủ Tướng Lê Văn Thành đã có chuyến đi thực tế khảo sát thực địa hướng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng chiều ngày 12/7 và buổi làm việc với các tỉnh, thành phố về triển khai tuyến đường bộ cao tốc này vào ngày 13/7.
Một trong những diễn biến mới gần đây liên quan đến dự án này, Tập đoàn Geleximco đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho tập đoàn này là nhà đầu tư quan tâm và lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đoạn tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, đồng thời hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư công trình, làm việc với các địa phương có dự án đi qua theo đúng các quy định hiện hành.
Khẳng định tập đoàn là một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện đầu tư các dự án lớn, trọng điểm trên cả nước, Tập đoàn Geleximco cho biết tự tin có đủ năng lực để triển khai đầu tư đoạn tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định – Thái Bình.
Trong văn bản, Tổng giám đốc Geleximco cũng cho biết với năng lực được giới thiệu là một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn có vốn sở hữu 14.500 tỷ đồng, tổng tài sản 52.000 tỷ đồng với hơn 10.000 lao động, Tập đoàn Geleximco cam kết sẽ tổ chức chuẩn bị đầu tư với thời gian ngắn nhất, hiệu quả cao nhất, nhanh chóng đưa dự án vào thi công xây dựng, sớm hoàn thành công trình đi vào khai thác, góp phần đảm bảo hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối vùng…
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng có tổng chiều dài 109 km, được đầu tư 4 làn xe vào giai đoạn trước năm 2030.
Lê Mạnh Quốc
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/giao-tham-quyen-dau-tu-cao-toc-ninh-binh-nam-dinh-thai-binh-a571076.html