Sự thật về loại virus mới đáng sợ gây tử vong tới 90% mà WHO vừa cảnh báo

Virus Marburg gây chết người xuất hiện tại Tây Phi là loại virus có khả năng lây nhiễm cao, tỷ lệ tử vong lên tới 90%.

Virus Marburg đã khiến 2 người đàn ông tử vong tại Ghana vào tháng 6, khởi đầu cho đợt bùng phát dịch bệnh độc lực cao đầu tiên ở quốc gia Tây Phi này. Từ cùng một họ với virus Ebola, Marburg thỉnh thoảng gây ra các đợt bùng phát và các trường hợp lẻ tẻ chủ yếu ở Trung và Nam Phi cho đến khi Guinea, ở Tây Phi, xác nhận một trường hợp gây tử vong duy nhất vào tháng 8/2021.

Các ca tử vong mới nhất một lần nữa cho thấy mầm bệnh được tìm thấy ở dơi ăn quả có thể vượt qua hàng rào bảo vệ giữa các loài để lây nhiễm sang người và có nguy cơ gây ra một thảm họa chết người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: “Nếu không có hành động ngay lập tức và dứt khoát, dịch do virus Marburg có thể vượt ra khỏi sự kiểm soát của chúng ta".

1. Ổ dịch do virus Marburg hiện được kiểm soát thế nào?

Cả hai trường hợp tử vong do virus Marburg đều xảy ra ở Ashanti của Ghana - vùng nổi tiếng về sản xuất vàng và ca cao. Người đầu tiên là một nam thanh niên 26 tuổi, đến bệnh viện kiểm tra ngày 26/6 và tử vong vào hôm sau. Người thứ hai là một nam giới 51 tuổi, đến cùng bệnh viện ngày 28/6 và tử vong trong hôm đó. 

Các nhân viên mai táng mang hài cốt của một nạn nhân Ebola ở Congo, nơi đã chứng kiến sự bùng phát của căn bệnh tương tự như virus Marburg trong những năm qua. Ảnh: AP.

Ngày 17/7, WHO cho biết, đang hỗ trợ các cơ quan y tế trong cuộc điều tra ở khu vực phía Nam. Cơ quan Liên Hiệp Quốc đang huy động các chuyên gia, cung cấp trang thiết bị bảo vệ cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra, truy tìm các mối liên quan, làm việc với cộng đồng để cảnh báo và giáo dục họ về những rủi ro và nguy hiểm cũng như hợp tác với các nhóm ứng phó khẩn cấp. Hơn 90 người tiếp xúc với các ca bệnh, bao gồm cả nhân viên y tế và thành viên cộng đồng, đã được xác định và đang được theo dõi.

2. Virus Marburg là gì? 

Đây là một thành viên của họ virus Filoviridae - có thể gây sốt xuất huyết nghiêm trọng ở người, giết chết tới 90% những người bị nhiễm bệnh. Bệnh do virus Marburg được ghi nhận vào năm 1967, khi các đợt bùng phát đồng thời xảy ra trong các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt, cả ở Đức, và ở thủ đô Belgrade của Serbia. Các trường hợp được truy vết từ khỉ xanh nhập khẩu từ Uganda để nghiên cứu và sản xuất vắc xin bại liệt. 

Chín năm sau, một loại virus (sau này được đặt tên là Ebola) có liên quan mật thiết được phát hiện đã gây ra một vụ bùng phát chết người ở một ngôi làng gần sông Ebola ở Congo. Kể từ đó, nhiều loại virus khác được biết đến là nguyên nhân gây ra các bệnh tương tự ở người đã được phát hiện trên khắp thế giới. Xu hướng toàn cầu hóa, du lịch quốc tế và biến đổi khí hậu đã hỗ trợ cho sự lây lan của chúng.

Hình ảnh hiển vi điện tử của một phân lập virus Marburg, có hình thái tương tự virus Ebola. Ảnh: Public Heath Image Library/CDC Mỹ. 

3. Các triệu chứng do virus Marburg gây ra 

Sau thời gian ủ bệnh từ 2 đến 21 ngày, các triệu chứng bắt đầu bằng sốt cao, đau đầu dữ dội và khó chịu nghiêm trọng, thường kèm theo đau nhức cơ. Tiêu chảy, đau bụng và chuột rút, buồn nôn và nôn có thể bắt đầu vào ngày thứ ba. Tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài một tuần. 

Vẻ ngoài của các bệnh nhân ở giai đoạn này được mô tả là có những nét “giống ma”: Đôi mắt sâu, khuôn mặt vô cảm và cực kỳ thờ ơ. Trong đợt bùng phát đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, hầu hết các bệnh nhân có triệu chứng phát ban không ngứa sau 2-7 ngày khởi phát triệu chứng. Sau khoảng 7 ngày phát bệnh, nhiều bệnh nhân bị chảy máu nghiêm trọng hoặc xuất huyết. Một số người có máu tươi trong chất nôn và phân thường, kèm theo chảy máu mũi, lợi và âm đạo. 

Chảy máu tự phát tại các vị trí có đường vào tĩnh mạch để truyền chất lỏng hoặc lấy mẫu máu có thể gây các vấn đề đặc biệt phiền toái.

Trong giai đoạn bệnh nặng, bệnh nhân sốt cao liên tục. 

Virus có thể tác động vào hệ thống thần kinh trung ương khiến bệnh nhân bị nhầm lẫn, cáu kỉnh và hung hăng. 

Nam giới có người bị viêm một hoặc cả hai tinh hoàn vào tuần thứ ba của bệnh. 

Tình trạng tử vong thường xảy ở ngày thứ 8-9 sau khi khởi phát triệu chứng, thường là trước khi người bệnh bị mất máu nghiêm trọng và sốc.

4. Chẩn đoán bệnh do virus Marburg thế nào?

Nếu không có các xét nghiệm chẩn đoán trong phòng thí nghiệm, khó có thể phân biệt bệnh do virus Marburg với bệnh sốt rét, sốt thương hàn, viêm màng não hoặc bệnh Ebola, sốt Lassa và các bệnh xuất huyết do virus khác. 

Các mẫu từ bệnh nhân có nguy cơ gây hại cho sức khỏe cực kỳ cao. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên tiến hành các xét nghiệm trong điều kiện an toàn sinh học cao nhất với các bệnh phẩm được vận chuyển bằng việc sử dụng hệ thống đóng gói ba lớp.

5. Các đợt bùng phát bắt đầu như thế nào?

Dơi ăn quả châu Phi Rousettus aegyptiacus được coi là vật chủ chứa hay vật mang mầm bệnh chính của virus Marburg. Các trường hợp ở người là do tiếp xúc lâu dài với các mỏ hoặc hang động nơi sinh sống của  đàn động vật có vú biết bay. Động vật linh trưởng, chẳng hạn như khỉ và vượn, cũng có thể bị nhiễm bệnh. 

Việc xâm nhập vào các khu vực có rừng và tương tác trực tiếp với động vật hoang dã, chẳng hạn như tiêu thụ "thịt thú rừng", tạo điều kiện cho sự lây lan của Marburg và các Filovirus khác từ động vật sang người. Khi một người bị nhiễm bệnh, mầm bệnh có thể được truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp qua da hoặc niêm mạc bị vỡ với máu, chất tiết, các cơ quan hoặc các chất dịch cơ thể khác của người bị nhiễm bệnh và với các bề mặt và vật liệu, chẳng hạn như giường và quần áo bị nhiễm các chất lỏng này.

6. Ai dễ gặp rủi ro mắc bệnh do virus Marburg?

Trước đây, những người có nguy cơ cao nhất bao gồm các thành viên trong gia đình và nhân viên bệnh viện, những người chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm virus Marburg và không sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân hoặc các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khác. Bác sĩ thú y và nhân viên phòng thí nghiệm hoặc cơ sở kiểm dịch xử lý các loài linh trưởng khác từ châu Phi cũng có thể tăng nguy cơ phơi nhiễm. Các nghi lễ chôn cất liên quan đến việc tiếp xúc trực tiếp với thi thể của người đã khuất cũng có thể góp phần vào việc lây truyền Marburg.

7. Có phương pháp điều trị và vắc xin ngừa bệnh do virus Marburg không?

Một loại vắc-xin đã được phát triển để chống lại Ebola. Các chuyên gia cho biết nó cũng có thể được sử dụng để bảo vệ khỏi virus Marburg. Ảnh: AFP.

Theo WHO, không có vắc xin hoặc phương pháp điều trị kháng virus nào được chấp thuận cho bệnh virus Marburg, mặc dù một số phương pháp tiếp cận, bao gồm các sản phẩm máu, liệu pháp miễn dịch, kháng thể đơn dòng và kháng virus đang được tổ chức này đánh giá. 

Chăm sóc hỗ trợ, đặc biệt là bù nước bằng đường uống hoặc dịch truyền tĩnh mạch, và điều trị các triệu chứng nhất định giúp cải thiện cơ hội sống sót. Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh Nâng cao của chính phủ Mỹ đã cung cấp thêm kinh phí vào tháng 10 cho Viện vắc xin Sabin và IAVI có trụ sở tại New York để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn giữa trên các vắc xin tiềm năng.

8. Những trường hợp khác đã xảy ra ở đâu?

Kể từ những trường hợp đầu tiên xảy ra với các nhân viên phòng thí nghiệm ở Đức và Nam Tư cũ vào năm 1967, dịch đã bùng phát ở Zimbabwe, Kenya, Congo, Angola, Uganda và Guinea. Một trường hợp tử vong xảy ra ở Nga vào năm 1990 sau khi bị nhiễm trùng trong phòng thí nghiệm, và một trường hợp khác vào năm 2008 ở một phụ nữ đã trở về nhà ở Hà Lan sau khi thăm Hang Trăn trong Rừng Maramagambo của Uganda vài ngày trước đó.

YÊN MINH (DỊCH TỪ WASHINGTON POST)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/su-that-ve-loai-virus-moi-dang-so-gay-tu-vong-toi-90-ma-who-vua-canh-bao-a571256.html