Sai lầm khi điều trị cúm A tại nhà có thể khiến bệnh thêm nặng

Cúm A là căn bệnh phổ biến nhưng nhiều người vẫn mắc sai lầm trong quá trình điều trị tại nhà, từ đó khiến bệnh diễn biến nặng hơn.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận tổng cộng hơn 2.600 trường hợp mắc cúm. Trong số này chưa có bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, CDC Hà Nội nhận định số ca mắc cúm mùa ở địa phương này đang có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây.

BS Nguyễn Trọng Hưng (Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn), cho biết, đa phần bệnh nhân cúm A đến viện trong tình trạng sốt, chảy nước mũi kèm theo đau họng, ho. 

Các bệnh nhân cúm A có bệnh nền như tim mạch, hô hấp, mắc các bệnh suy giảm miễn dịch, mãn tính sẽ được theo dõi trong bệnh viện. Trường hợp người bệnh khỏe mạnh, không bệnh lý nền, đã tiêm vắc-xin cúm A khi đến cơ sở y tế sẽ được xét nghiệm đánh giá xem có biến chứng cúm A hay không. Nếu không có nguy cơ biến chứng, họ có thể được theo dõi, điều trị tại nhà theo đơn thuốc bác sĩ.

Cũng theo BS Nguyễn Trọng Hưng, biến chứng bệnh cúm A là viêm phổi, biến chứng về tim mạch, thần kinh, viêm cơ. Ngoài ra, bệnh này còn các biến chứng nặng hơn như bệnh nhân bị bội nhiễm, nhiễm trùng, nhiễm độc.

Hầu hết bệnh nhân bị cúm có triệu chứng nhẹ và được chỉ định điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn có nguy cơ diễn biến nặng. Do đó, khi tự điều trị tại nhà người dân cần tránh những sai lầm có thể khiến bệnh diễn biến nặng thêm, kéo dài thời gian điều trị.

Sai lầm thứ nhất là việc tự ý dùng thuốc, kháng sinh. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, hiện vẫn có nhiều phụ huynh lầm tưởng dùng kháng sinh sẽ giúp bệnh cúm nhanh khỏi.  Thực tế, kháng sinh không có tác dụng diệt virus - nguyên nhân gây cúm. Bệnh cúm tự khỏi trong vài ngày, người bệnh có thể dùng thuốc giảm ho, giảm đau họng hoặc thuốc hạ sốt.

"Lạm dụng kháng sinh điều trị cúm thường rất tốn kém. Trong khi đó, chúng còn có thể gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy, mệt mỏi, thậm chí kháng kháng sinh", vị chuyên gia nói với Zing.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo các gia đình không nên tự ý tích trữ thuốc, đặc biệt là Tamiflu. Loại thuốc này được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi...

Nếu mắc cúm thông thường, các bệnh nhân không cần thiết dùng đến Tamiflu. Việc làm này gây lãng phí. Đáng ngại hơn, lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong tương lai. Các chuyên gia cũng lưu ý người dân tuyệt đối không dùng các bài thuốc Nam không rõ nguồn gốc để chữa cảm cúm, dẫn đến biến chứng.

Một sai lầm khác cũng được PGS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý là việc đóng kín cửa, trùm chăn để toát mồ hôi. Nhiều người cho rằng việc làm này có thể giúp bệnh nhân cúm “đào thải độc tố”, từ đó nhanh khỏi hơn. Tuy nhiên, hành động này thậm chí khiến bệnh trầm trọng hơn do gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức ở người bệnh, từ đó suy giảm sức đề kháng.

Chia sẻ với VietNamNet, BS Nguyễn Trọng Hưng thông tin thêm, các bệnh nhân có bệnh lý nền liên quan đến tiểu đường, tim mạch nên hạn chế bù nước bằng nước hoa quả. Người bệnh có thể dùng oresol, nước lọc để bù nước. Nếu bệnh nhân không có bệnh lý nền trên có thể dùng nước hoa quả để bù điện giải. Ngoài ra, với bệnh nhân điều trị tại nhà có thể chỉ định dùng thêm thuốc kháng virus theo liều lượng, cân nặng người bệnh.

Bên cạnh đó cần chú ý các dấu hiệu người bệnh cần vào bệnh viện. Tất cả bệnh nhân cúm A điều trị tại nhà phải được theo dõi tình trạng liên tục. Nếu bệnh nhân sốt cao không hạ, không thể ăn uống, hay xuất hiện triệu chứng khác như ho, khạc đờm rất nhiều hoặc bệnh nhân rối loạn ý thức, đau bụng, tiêu chảy hoặc triệu chứng khác như viêm cơ, có dấu hiệu thần kinh… cần nhập viện.

Về phòng bệnh cúm A, tương tự như phòng Covid-19 đó là chúng ta nên đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người xung quanh. Khi tiếp xúc với người bệnh, chúng ta đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Bạn nên vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Đặc biệt, người dân nên tiêm vắc-xin cúm A. Vắc xin tiêm 1 năm/lần, tiêm trước khi vào mùa đông xuân từ tháng 10 đến tháng 3 để phòng cúm A. Tiêm vắc xin phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Người lớn, trẻ lớn cần tiêm nhắc lại hàng năm để duy trì khả năng bảo vệ trước sự biến đổi của các chủng cúm. 

 

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/sai-lam-khi-dieu-tri-cum-a-tai-nha-co-the-khien-benh-them-nang-a571833.html