Gia Lâm – Bài 2: Thả nổi việc tập kết, vận chuyển vật liệu xây dựng mùa mưa lũ, ai phải chịu trách nhiệm?

Theo Luật sư Lê Phương Mai (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), Chủ tịch UBND tại địa phương có bãi ven sông phải chịu trách nhiệm trực tiếp với hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng.

Chính quyền xã Đông Dư có đang “làm lơ” cho vi phạm?

Như tạp chí Đời sống và Pháp luật đã phản ánh trong bài viết: Gia Lâm – bài 1: Tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng mùa lũ, xe tải “băm” nát đường đê, hiện tại, theo quy định pháp luật, các hoạt động khai thác, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ở các bến ven sông phải tạm dừng. Tuy nhiên, ở các xã thuộc huyện Gia Lâm tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.

Trong khi đó, chính quyền xã Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội), một trong những địa phương có hoạt động nói trên vẫn giữ thái độ im lặng trước dư luận.

Trao đổi với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, luật sư Lê Phương Mai cho biết, theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 25, luật Đê điều thì hoạt động: Để vật liệu, khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác, đào ao, giếng ở bãi sông phải được Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép.

hieuunganhcom62e005e0126d0

Hình ảnh bốc, xếp cát rầm rộ được phóng viên ghi nhận.

“Tuy nhiên, hiện nay nhiều điểm, bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (chủ yếu là cát, sỏi khai thác từ lòng sông, bãi sông) mọc lên tự phát, không được phép tại các bãi sông trên địa bàn Hà Nội gây mất an toàn đê điều đặc biệt trong mùa mưa lũ từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm.

Việc tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tại các bãi sông sẽ dẫn đến đê điều bị sụt lún do các xe vận chuyển vật liệu tải trọng lớn thường xuyên đi lại để chở vật liệu từ bãi tập kết đến công trình xây dựng; gây cản trở dòng chảy, dòng thoát lũ”, luật sư Lê Phương Mai nêu ý kiến.

Nói về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt, luật sư Mai dẫn quy định tại Điều 58, luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 33 Nghị định 03/2022/NĐ-CP. Theo đó, đơn vị chịu trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính là Chủ tịch UBND các cấp xã, huyện, cấp tỉnh tuỳ theo mức độ vi phạm và mức phạt tiền tương ứng.

hieuunganhcom62e0061cb6f7d

Lượng cát vận chuyển đi mỗi ngày rất lớn.

“Ngoài ra, cơ quan thanh tra và cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành phòng, chống thiên tai; thuỷ lợi; đê điều cũng được xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền được phân công. Công an nhân dân, bộ đội biên phòng; thanh tra chuyên ngành giao thông vận tải; Thanh tra chuyên ngành tài nguyên môi trường; Cảng vụ đường thuỷ nội địa cũng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi tập kết, luân chuyển vật liệu xây dựng trái phép.

Hành vi lấn chiếm bãi sông, lòng sông ngoài bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 03/2022/NĐ-CP thì còn có thể bị xem xét và xử phạt theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hành vi lấn, chiếm, đất, sử dụng trái phép đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp”, luật sư Lê Phương Mai thông tin.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nhận định, việc để xảy ra tình trạng khai thác, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng thể hiện sự thiếu trách nhiệm quản lý của các địa phương. Đặc biệt, ông Phú thẳng thắn đánh giá, đây là hoạt động đã tồn tại hàng chục năm qua và không khó để phát hiện, việc để hành lang thoát lũ bị xâm hại có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

“Có thể thấy dấu hiệu tiêu cực ở đây, nếu không thì các hoạt động trái phép này không thể hoạt động ngang nhiên như vậy được”, ông Phú nhấn mạnh.

Chế tài xử phạt thấp, thất thu thuế do hoạt động trái phép

Nhận định về các quy định xử lý vi phạm, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, chế tài hiện tại không đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, việc xử phạt cũng chỉ lấy lệ và không bao quát hết các hoạt động của những đơn vị khai thác, vận chuyển vật liệu.

“Mức phạt chỉ vài chục, vài trăm triệu đồng, trong khi họ kiếm tiền tỷ thì phạt không thấm vào đâu. Tuy nhiên, tôi đánh giá, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước không cao, nếu ráo riết làm sẽ khác, đằng này nếu chỉ xử lý vài trường hợp cho đủ chỉ tiêu rồi dừng thì không khác gì “bắt cóc bỏ đĩa”, tình trạng này không bao giờ chấm dứt”, ông Phú nhấn mạnh.

Đánh giá về tình trạng thất thu ngân sách do hoạt động khai thác đất trái phép, vị chuyên gia cũng nhận định, đây là một khoảng trống về quản lý nhà nước. Nếu quản lý tốt sẽ tăng thu ngân sách và bảo vệ đê điều. tuy nhiên, việc tình trạng nói trên đang khiến ngân sách có thể bị thất thu một khoản lớn.

“Theo tôi đánh giá, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hoạt động quản lý đang có dấu hiệu bị buông lỏng”, ông Phú chia sẻ.

Cũng liên quan vấn đề xử phạt, luật sư Mai thông tin thêm, trường hợp tập kết, vận chuyển vật liệu xây dựng trái phép tại bãi sông, bờ đê gây hư hỏng công trình thuỷ lợi, đê điều, công trình phòng chống thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng về người và thiệt hại lớn về tài sản thì bị xem xét xử lý hình sự.

“Cụ thể, hành vi nói trên vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi, đê điều và phòng chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông theo quy định tại Điều 238, Bộ luật Hình sự 2015”, luật sư Mai nêu.

Nghị định 03/2022/NĐ-CP ngày 06/1/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực, phòng, chống thiên tai; thuỷ lợi; đê điều như sau:

- Khoản 1 Điều 9: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đền 50.000.000 đồng đối với hành vi làm hư hỏng công trình kề, công trình chống sạt lở, công trình chống sụt lún đất, công trình cảnh báo thiên tai gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng.

- Khoản 1, Điều 11. Các hành vi vi phạm làm gia tăng rủi ro thiên tai: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi lấn chiếm bãi sông… làm gia tăng rủi ro thiên tai.

- Điều 29 quy định về mức phạt tiền đối với hành vi để vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông thì tuỳ theo khối lượng vật liệu mà có các mức phạt tiền tương ứng từ 500.000 đồng cho đến 100.000.000 đồng.

- Ngoài ra cá nhân, tổ chức vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

- Đối với các xe cơ giới dùng đề luân chuyển vật liệu xây dựng từ bãi tập kết đến các công trình xây dựng chở quá trọng tải cho phép đi trên đê cung bị xử phạt tuỳ theo mức độ vi phạm với số tiền lên tới 50.000.000 đồng và bị tước giấy phép lái xe trong thời hạn nhất định. Trường hợp làm hư hỏng đê điều thì phải khôi phục lại tình trạng ban đầu (Điều 31 Nghị định 03/2022/NĐ-CP).

 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gia-lam-bai-2-tha-noi-viec-tap-ket-van-chuyen-vat-lieu-xay-dung-mua-mua-lu-ai-phai-chiu-trach-nhiem-a545857.html

Minh Anh

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/gia-lam-bai-2-tha-noi-viec-tap-ket-van-chuyen-vat-lieu-xay-dung-mua-mua-lu-ai-phai-chiu-trach-nhiem-a571928.html