Bạn bị sốt, đau đầu, chảy mũi, hắt hơi, đau họng…. và băn khoăn không biết là liệu mình chỉ bị nhiễm lạnh, viêm mũi họng cấp thông thường hay là bị nhiễm cúm, đặc biệt là cúm A?
Hai loại bệnh này có tiên lượng và phương thức xử trí khác nhau: cảm lạnh hay viêm mũi họng cấp thường chỉ cần điều trị triệu chứng (sốt, đau, chảy mũi, ngạt mũi…) và có xu hướng khỏi không để lại biến chứng gì nếu không bị bội nhiễm. Ngược lại nếu nhiễm cúm A rất dễ bị dẫn đến viêm phổi và có thể có tỷ lệ tử vong.
Theo một số nghiên cứu tại Mỹ, có thể có tới 35,5 triệu người mắc cúm mỗi năm và trong số đó 34.000 người tử vong. Cúm A còn có thể gây ra các biến chứng như: Viêm tai, tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng, các vấn đề về tim mạch.
Như vậy việc phân biệt giữa cảm lạnh, viêm mũi họng cấp và cúm A là quan trọng.
PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào (BV Đại học Y Hà Nội) chỉ ra, khi bị cảm lạnh hay viêm mũi họng cấp, bệnh nhân sốt nhưng thường dưới 39 độ C, không có cảm giác rét run; trong khi bệnh nhân nhiễm cúm A thường sốt trên 39 độ C, kèm theo rét run.
Bệnh nhân cảm lạnh hay viêm mũi họng cấp thường thấy đau đầu và đau họng, chảy múi và ngạt tắc mũi từng lúc, hắt hơi ít. Trong khi bệnh nhân cúm A thấy đau đầu và đau người, nhất là vùng thắt lưng, chảy mũi và ngạt tắc mũi thường xuyên có thể kèm theo đau rát mũi, hắt hơi nhiều.
Khi khám thực thể vùng Tai Mũi Họng của bệnh nhân cảm lạnh hay viêm mũi họng, thấy: Niêm mạc mũi phù nề, sung huyết, tăng tiết ít dịch, cuốn dưới quá phát; trong khi với bệnh nhân cúm A: Niêm mạc họng đỏ, tăng tiết nhiều dịch; cuốn dưới thường bình thường. Bệnh nhân ăn uống kém, thường đầy hay tức bụng. Test cúm A dương tính (chỉ làm khi nghi ngờ).
Với viêm mũi họng thông thường hay nhiễm lạnh, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc hạ sốt và chống ngạt mũi, chảy mũi bằng các thuốc co mạch, giảm sung huyết, sát khuẩn và săn khô niêm mạc mũi; thuốc giảm ho (nếu có ho nhiều).
Nếu xét nghiệm cho kết quả cúm A dương tính, bạn phải chú ý rằng Chỉ dùng các thuốc kháng virus khi có chỉ định của bác sĩ. Các triệu chứng cúm A nhẹ có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước. Đối với nhiễm cúm nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus: Zanamivir (Relenza), oseltamivir (Tamiflu)…
Những loại thuốc này sẽ ức chế, làm giảm khả năng lây lan của virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác, làm chậm quá trình lây nhiễm.
Đối phó với sốt cao, đau ê ẩm người như thế nào khi nhiễm cúm A?
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nỗi khổ của người bị cúm, đó là cảm thấy người đau mỏi, sốt, sổ mũi, ho, người mệt mỏi khó chịu. Vì những triệu chứng này, người bệnh cảm thấy rất nặng nề, mệt mỏi, mất hết năng lượng. Tuy nhiên, phần lớn các triệu chứng này dần thoái lui, 80-90% bệnh nhân cúm không phải nhập viện điều trị, bệnh tự khỏi.
Khi sốt trên 38,5 độ C, hãy uống thuốc hạ sốt paracetamol theo cân nặng. Thuốc sẽ giúp hạ sốt, giảm đau mỏi người. Tuy nhiên, đừng chỉ phụ thuộc vào thuốc để hạ sốt, hãy uống thật nhiều nước. Tốt nhất pha oresol theo khuyến cáo, uống thay nước lọc trong ngày (từ 1,5-2 lít nước), uống nước dừa, nước trái cây, ăn nhiều đồ loãng như cháo, súp... sẽ hỗ trợ hạ sốt rất tốt.
Bên cạnh đó, sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng như ho (dùng thuốc ho), ngạt mũi, sổ mũi thì rửa muối biển, nhỏ thuốc chống ngạt mũi.
Cần ở phòng riêng để tránh lây nhiễm
BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện E khuyến cáo, bệnh nhân cúm A nên được chăm sóc, cách ly tại phòng riêng để tránh lây nhiễm cho người thân trong gia đình.
Các loại rác thải như giấy ăn để lau mũi, khạc nhổ... cần để trong túi rác riêng, buộc kín để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Bệnh nhân cúm cũng cần thường xuyên rửa tay, hạn chế làm virus bám vào các vật dụng như tay nắm cửa, cầu thang... có thể lây truyền cho người khác.
Hồng Anh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-chi-cach-phan-biet-cum-a-va-viem-mui-hong-cap-a572124.html