Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khoảng 1,6 triệu lao động đang sinh sống và làm việc.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, có 2.282 doanh nghiệp tại Bình Dương thực hiện tuyển dụng tìm kiếm lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương.
Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 80.800 lao động, trong đó cần tuyển 7.800 lao động có chuyên môn, còn lại cần tuyển 73.000 lao động phổ thông.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, quý I/2022, hầu hết các ngành và lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có nhu cầu tuyển dụng lao động. Ngành giày da có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, chiếm 31,7% con số trên.
Sang quý II, nhu cầu tuyển dụng lao động chững lại, các ngành giảm tuyển dụng như chế biến gỗ, may mặc do các đơn hàng của doanh nghiệp chững lại. Cụ thể, lĩnh vực may mặc giảm 72%, chế biến gỗ giảm 52%. Một số ngành dịch vụ cũng giảm tuyển dụng như bất động sản, tài chính ngân hàng giảm 74,6%.
Nhiều lao động không tìm được việc làm phải đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm có 44.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương nhận định, trong quý III, quý IV các doanh nghiệp sẽ khởi động lại kế hoạch tuyển dụng với số lượng trung bình từ 30-50 lao động/doanh nghiệp.
Theo dự báo, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều đơn hàng mới. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng trở lại, khoảng 40.000-50.000 lao động. Các ngành nghề tuyển dụng nhiều lao động chủ yếu vẫn là dệt may, gỗ, giày da, dệt nhuộm, hàn, cắt cơ khí...
Theo Lao Động, để phục hồi thị trường lao động, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh thực hiện nhiều hỗ trợ người lao động quay trở lại tỉnh làm việc.
Tỉnh Bình Dương giao các đơn vị tiếp tục phối hợp với các tỉnh khác để nắm chắc nguồn cung lao động có những chính sách hỗ trợ: hỗ trợ di chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, nhà ở... để vận động người lao động đến, quay lại tỉnh Bình Dương làm việc.
Đẩy mạnh việc nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ chính xác để kết nối cung - cầu lao động hạn chế sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ.
Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giao dịch về lao động, việc làm.
Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm, tăng cường kết nối cung – cầu lao động, liên kết, tạo niềm tin, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động và thời gian tuyển dụng của người lao động.
UBND tỉnh Bình Dương cũng tiếp tục ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện tổ chức tiêm vắc-xin nâng cao sức đề kháng người lao động tại các doanh nghiệp.
Tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh hỗ trợ người lao động về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chú trọng đặc biệt vào lao động ngoại tỉnh để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động.
Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí, lệ phí. Đề xuất hỗ trợ người lao động trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng ...
Các ngành cũng sẽ tăng cường đào tạo nghề và hỗ trợ người lao động tiếp cận các khóa đào tạo nghề để quay lại thị trường lao động.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/binh-duong-nhieu-giai-phap-giup-thi-truong-lao-dong-phuc-hoi-a572393.html