Bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em: Những điều cha mẹ cần biết về các nguy cơ và biện pháp phòng ngừa

Theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ em rất ít có khả năng bị nhiễm virus này. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý những thông tin dưới đây.

Trong vài tuần trở lại đây, dịch đậu mùa khỉ bùng phát ngày càng lan rộng và đáng lo ngại. Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, số ca nhiễm đậu mùa khỉ được xác nhận khoảng 5.189 trường hợp ở Mỹ và hơn 22.000 ca mắc trên toàn cầu.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế cần phải quan tâm. 2 thành phố ở Hoa Kỳ cũng vừa ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Theo các chuyên gia nhi khoa, trẻ em rất ít có khả năng bị nhiễm virus này. Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng ghi nhận 2 trường hợp bao gồm 1 trẻ mới biết đi ở California và một trẻ sơ sinh đến từ Vương quốc Anh có gia đình đến thăm Hoa Kỳ được xác định mắc virus đậu mùa khỉ. CDC cho biết cả 2 trường hợp nhiễm trùng đều có khả năng do lây truyền trong gia đình.

Tin tức này có thể gây lo lắng cho các bậc cha mẹ khi mối lo ngại về sức khỏe toàn cầu mới nhất này tiếp tục phát triển. Dưới đây là một cái nhìn sâu hơn của các chuyên gia về việc lây truyền bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ nhỏ và liệu sự bùng phát này có phải là nguyên nhân đáng lo ngại hay không.

Đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ sang trẻ em

Cũng như tất cả các đối tượng khác, trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc virus này ở trẻ em còn rất thấp. Chỉ có 2 đứa trẻ được xác định trong số hàng nghìn trường hợp có nghĩa là ít nhất hiện tại, cha mẹ không nên quá lo lắng về việc trẻ bị nhiễm bệnh. Trẻ em vẫn chiếm một phần rất nhỏ các trường hợp trên toàn cầu và ở Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Aniruddha Hazra - một bác sĩ bệnh truyền nhiễm và trợ lý giáo sư y khoa tại Đại học Chicago cho biết nói: "Trong số 15.000 trường hợp đã được báo cáo cho đến nay mới có chưa tới 75 trường hợp đã xảy ra ở trẻ em. Chúng tôi nhận định, vào thời điểm này, trẻ em chưa thực sự là nhóm nguy cơ chính đối với loại virus này".

Trong phần lớn các trường hợp, bệnh đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc da kề da. Tiến sĩ Hazra cho biết thêm, sự bùng phát hiện nay chủ yếu lây lan qua sự tiếp xúc thân mật giữa những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.

"Có một số cách lây truyền bệnh đậu mùa khỉ khác, mặc dù chúng ít phổ biến hơn. Nó có thể lây lan qua các giọt nhỏ hoặc "tiếp xúc với quần áo bị ô nhiễm, giường, đồ nội thất và có thể là các đồ dùng sinh hoạt chung khác" - Karen Edwards - Giáo sư dịch tễ học và thống kê sinh học tại chương trình Y tế công cộng của Đại học California Irvine, nói với Health.

Tuy nhiên, Edwards nói thêm, phần lớn các ca lây nhiễm là do tiếp xúc trực tiếp với người đang bị phát ban ngoài da. Tại Hoa Kỳ, có tới trên 95% các ca nhiễm bệnh được xác nhận là ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

Tiến sĩ Hazra cho biết: Hiện tại, trẻ em dường như không bị bệnh đậu mùa do tiếp xúc ở những nơi công cộng, chẳng hạn như hồ bơi và phòng thay đồ. Điều này cũng có thể do thực tế là virus thường cần tới sự tiếp xúc thân mật, kéo dài để lây lan. Vì vậy trẻ em không có khả năng bị nhiễm virus ở trường và những nơi công cộng khác. Cha mẹ không nên quá lo lắng.

Các triệu chứng và rủi ro của bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em

Cũng như các bệnh khác, trẻ sơ sinh, hoặc trẻ nhỏ trong những tuần đầu tiên của cuộc đời, rất dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch của chúng yếu hơn.

Theo CDC, trẻ em dưới 8 tuổi có nhiều nguy cơ bị các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh đậu mùa khỉ hơn, mặc dù nói chung các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát này là nhẹ.

Triệu chứng đặc biệt nhất là phát ban giống mụn nhọt đặc trưng, một số triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ và đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và kiệt sức. Các chuyên gia cho biết, virus cũng có thể gây ra các triệu chứng về đường hô hấp như đau họng, nghẹt mũi hoặc ho.

Điều trị và phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em

Hai trẻ em bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ đã được thông báo là vẫn khỏe mạnh và đang được điều trị bằng thuốc kháng virus có tên TPOXX. Mặc dù hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dành riêng cho bệnh đậu mùa khỉ, nhưng TPOXX là phương pháp điều trị bệnh đậu mùa mà các nghiên cứu cho thấy là an toàn để sử dụng cho người khỏe mạnh và có thể chỉ gây ra các tác dụng phụ nhỏ không đáng kể.

Trẻ em có nguy cơ khi tiếp xúc lâu dài với một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ có thể được tiêm một loại vắc-xin tên là JYNNEOS được FDA chấp thuận để bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ.

CDC cho biết loại vắc-xin này đang được cung cấp cho trẻ em thông qua các quy trình sử dụng mở rộng. Tuy nhiên, hiện tại, các chiến lược tiêm chủng đang ưu tiên những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới, những người chiếm phần lớn các trường hợp.

Cha mẹ cần lưu ý điều gì?

Nếu con bạn xuất hiện các triệu chứng mà bạn nghi ngờ có thể là bệnh đậu mùa khỉ hoặc con bạn đã tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đậu mùa khỉ, thì cách tốt nhất là gọi cho bác sĩ nhi khoa hoặc đưa con đi khám ngay.

Bác sĩ nhi khoa có thể yêu cầu các xét nghiệm thích hợp cho con bạn và cảnh báo các cơ quan y tế công cộng của địa phương về trường hợp của trẻ.

Các bậc cha mẹ cũng nên cập nhật thông tin về bệnh đậu mùa khỉ thường xuyên, vì tình hình có thể thay đổi nhanh chóng.

Tiến sĩ Hazra cho biết: Trên thực tế, tại thời điểm này, khả năng một đứa trẻ bị nhiễm COVID-19 cao hơn nhiều so với bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng ngừa vẫn nên tiếp tục được triển khai.

Mặc dù không có điều gì đặc biệt mà cha mẹ nên tránh làm với trẻ, nhưng tốt hơn hết là bạn nên rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và các thói quen khác được sử dụng để ngăn ngừa các bệnh như COVID-19.

 

(Theo Sức khỏe và Đời sống)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/benh-dau-mua-khi-o-tre-em-nhung-dieu-cha-me-can-biet-ve-cac-nguy-co-va-bien-phap-phong-ngua-a572400.html