Xô xát trong bữa cơm cúng rằm tháng 7, em vợ đâm chết anh rể
Ngày 3-8, Công an huyện An Dương (TP Hải Phòng) cho hay cơ quan CSĐT Công an huyện An Dương đang tạm giữ hình sự Lê Tường Anh (35 tuổi, trú xã An Hồng, huyện An Dương) để điều tra, làm rõ về hành vi "Giết người".
Hiện trường xảy ra vụ việc em vợ đâm chết anh rể
Trước đó, tối 2-8, gia đình ông P.V.T. (52 tuổi) tổ chức bữa cơm cúng rằm tháng 7 tại nhà ở thôn Thuận Tị, xã An Hồng. Do ở cùng bố mẹ vợ nên ông T. có mời Lê Tường Anh, là em vợ ông T. đến dùng cơm.
Trong bữa cơm cúng rằm, giữa ông P.V.T. và Lê Tường Anh đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Sau đó, Lê Tường Anh đã dùng kéo đâm trúng cổ khiến anh rể ngã gục.
Nạn nhân được người thân đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp - Hải Phòng cấp cứu. Tuy nhiên, người này được xác định tử vong trước khi đến bệnh viện do mất máu cấp.
Ngay sau khi xảy ra sự việc đâm chết anh rể, Lê Tường Anh đến cơ quan công an đầu thú.
Hơn nửa bệnh viện tuyến trung ương thiếu thuốc, vật tư tiêu hao
Bộ Y tế vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất ban hành nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo Bộ Y tế, báo cáo từ các địa phương, đơn vị cho thấy tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhiều bệnh viện tuyến trung ương thiếu thuốc điều trị - Ảnh minh hoạ
Cụ thể, có 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất;14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, các trang thiết bị chuyên sâu...
Ngoài ra, còn 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc. Các loại thuốc thiếu gồm thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng trên là do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất hàng hóa khan hiếm, giá cả biến động, hết hạn số đăng ký lưu hành của một số loại thuốc, nhân lực quản lý nhà nước quá ít, khó khăn trong xử lý hồ sơ. Cùng đó, việc chậm có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán giá thuốc, một số địa phương giao cho các đơn vị chủ động tự đấu thầu, thay vì đấu thầu tập trung, nên các đơn vị lúng túng, e ngại.
Phẫu thuật điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội)
Bên cạnh đó, còn có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị mặc dù thuộc thẩm quyền mua sắm. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa khi giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp, khó khăn.
Cũng theo Bộ Y tế, một nguyên nhân nữa là các văn bản liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế còn có một số nội dung chưa rõ, chưa cụ thể nên dẫn tới cách hiểu, cách làm khác nhau.
Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, Bộ Y tế đề xuất một số nội dung trong dự thảo nghị quyết về việc đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Với quy định "Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá công khai và không được mua cao hơn giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán", Bộ Y tế đề xuất ghi rõ thời điểm mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Điều này cũng tương tự với việc mua sắm, đấu thầu thuốc.
Trong dự thảo, Bộ cũng đề nghị làm rõ số đăng ký lưu hành với các thuốc được Bộ Y tế công bố bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm nào, quy định về rà soát, công bố giá thuốc kê khai…
Dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh nội dung liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Trong đó có đề xuất cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo một bệnh viện ở Hà Nội cho rằng một phần nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế liên quan đến vướng mắc về chính sách, quy định.
"Chẳng hạn quy định giá kế hoạch tham khảo giá trúng thầu trong trong 12 tháng qua, tuy nhiên, nhiều mặt hàng không có giá tham khảo. Bộ Y tế cần đàm phán để có giá hướng dẫn cho các bệnh viện với các trường hợp không có giá kế hoạch. Hoặc yêu cầu giá kế hoạch thấp hơn giá trúng thầu, tuy nhiên, giá một số mặt hàng không có nhà thầu do giá thực tế tăng, trong khi giá kỹ thuật thì yêu cầu phải giảm thấp"- lãnh đạo bệnh viện này chia sẻ.
Chết 16 người do cháy quán karaoke: Cần xem lại toàn diện các quy trình, quy định về PCCC ở quận Cầu Giấy
Ngày 3-8, Công an TP Hà Nội đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy tại quán karaoke ISIS số 231 Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), làm 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Cầu Giấy hi sinh khi làm nhiệm vụ.
Lực lượng chức năng tiến hành chữa cháy, cứu hộ cứu nạn
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bày tỏ vụ cháy làm 3 cán bộ chiến sĩ hi sinh là rất đau đớn và vô cùng đáng tiếc.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, tháng 11-2016, tại quận Cầu Giấy đã có vụ cháy quán karaoke ở phố Trần Thái Tông làm 13 người tử vong. Sau vụ 13 người chết, lẽ ra chính quyền địa phương phải rút kinh nghiệm về công tác cấp phép, công tác phòng cháy chữa cháy, nhưng dường như vấn đề này không được thực hiện một cách ráo riết. "Rõ ràng là có vấn đề liên quan đến công tác quản lý" - Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.
Ông Nhưỡng cũng cho rằng vấn đề quản lý không chỉ riêng chính quyền mà còn liên quan đến đơn vị phòng cháy chữa cháy, chính việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát "không đến nơi đến chốn" nên mới xảy ra sự việc vô cùng đáng tiếc.
"Trước đây thì 13 khách hàng tử vong, bây giờ thì lại làm 3 cán bộ chiến sĩ hi sinh khi cháy quán karaoke. Vụ cháy này không phải vụ cháy quá lớn nhưng lại gây ra hậu quả đau lòng và vô cùng đáng tiếc như vậy thì người dân rất khó chấp nhận. Có lẽ, TP Hà Nội phải có những chấn chỉnh cụ thể hơn. Quốc hội cũng đã đề cập rất nhiều về công tác phòng cháy chữa cháy, có lẽ cũng phải xem lại vấn đề này để có những quy định, trách nhiệm cho rõ ràng, không thể xem nhẹ vấn đề này được" - ông Nhưỡng bày tỏ.
Về vấn đề xử lý trách nhiệm chính quyền địa phương, ông Nhưỡng cho rằng phải xem lại toàn diện các quy trình, quy định. Người đứng đầu đương nhiên phải chịu trách nhiệm toàn diện, nhưng cần xem xét từng khâu, từng lĩnh vực quản lý chuyên môn để truy trách nhiệm cụ thể.
Còn theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), 3 chiến sĩ hi sinh khi tham gia chữa cháy là rất đau xót, mất mát cho gia đình, đồng đội và xã hội. Sự việc rất đau lòng nhưng phải rất khách quan để xem lại công tác phòng cháy chữa cháy trên cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng, đặc biệt là tại địa bàn quận Cầu Giấy.
Ông Phạm Văn Hòa cũng nêu ngoài vụ 3 chiến sĩ hi sinh khi chữa cháy mới đây thì trước đó tại quận Cầu Giấy còn có vụ cháy tại quán karaoke khiến 13 người tử vong.
Chính quyền quận Cầu Giấy cũng như lực lượng phòng cháy chữa cháy của quận cần phải soi lại việc quản lý, cấp phép phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Chính quyền, Công an quận Cầu Giấy cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, nếu cơ sở nào không bảo đảm phòng cháy chữa cháy thì phải xử phạt nặng, có thể tước giấy phép kinh doanh. "Phải quy rõ trách nhiệm, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong việc phòng cháy chữa cháy" - ông Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.
Lực lượng chức năng dùng thang chữa cháy
Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội cho biết vụ cháy tại quán karaoke ở phường Quan Hoa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 3 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Cầu Giấy hi sinh khi làm nhiệm vụ. Yêu cầu Đảng ủy Công an TP chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm sai phạm theo quy định của pháp luật; quận ủy Cầu Giấy chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan sớm khắc phục hậu quả, tổ chức kiểm điểm và có biện pháp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Giá xăng nhập đột ngột leo dốc, chạm mốc gần 30.000 đồng/lít
Sáng nay (3-8), dữ liệu từ Bộ Công thương cho biết, giá xăng nhập từ Singapore dao động quanh mốc từ 119-120 USD/thùng. Mức này tương đương thời điểm đầu tháng 7, khi đó giá xăng trong nước gần chạm mốc 30.000 đồng/lít.
Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích OANDA nhận định, các nhà giao dịch năng lượng ngày càng tin tưởng rằng OPEC + sẽ chống lại các lời kêu gọi tăng sản lượng.
Hãng tin Reuters cho biết, các quỹ đầu tư và giới đầu cơ đang mua các hợp đồng dầu với tốc độ rất nhanh. Trong khi nhu cầu dầu Mỹ tăng nhanh vì các nước châu Âu và Nam Mỹ đang tăng tốc độ mua và có khả năng cao hơn vào mùa đông.
Tồn kho dầu thô của Mỹ không phục hồi bất chấp giá nhiên liệu đang cao. Điều này có nghĩa là thị trường nhiên liệu thắt chặt và mức giá cao có thể sẽ tiếp tục giữ trong năm tới.
Bộ Năng lượng Mỹ cũng báo cáo rằng tồn kho dầu của Mỹ trong kho dự trữ dầu chiến lược đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, còn 469,9 triệu thùng.
Trong khi đó, một cú bồi khác đến nguồn cung dầu thế giới là Venezuela đối mặt với tình trạng mất điện đã ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu trong tháng 7.
HÀ ANH
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-24h-xo-xat-trong-bua-com-cung-ram-thang-7-em-vo-dam-chet-anh-re-a572507.html