Thế giới đón Lễ Vu Lan theo những cách đặc biệt, có gì giống và khác so với ở Việt Nam?

Không chỉ Việt Nam, nhiều nơi khác trên thế giới cũng đón Lễ Vu Lan theo những cách rất đặc biệt.

Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch hàng năm. Trong năm 2022, Lễ Vu Lan rơi vào ngày 12/8 dương lịch. Theo truyền thống, đây là ngày tưởng nhớ, báo ân, báo hiếu cha mẹ và tổ tiên, nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của thế hệ trước.

Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều nơi khác trên thế giới cũng đón ngày Lễ Vu Lan theo những cách đặc biệt khác nhau:

Tương tự như Lễ Vu Lan tại Việt Nam, Trung Quốc cũng có một ngày lễ vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm, có tên là Lễ ma quỷ. Người Trung Quốc quan niệm rằng đây là ngày mở cửa của quỷ môn, các vong linh được thả tự do trong một khoảng thời gian, và trong ngày này âm khí rất nặng nên cần phải kiêng cữ khá nhiều. Quan niệm này khá giống với quan niệm về "tháng cô hồn" của người Việt.

Trong những ngày này, mọi người thường tránh làm những việc hệ trọng như đám cưới hỏi, xây nhà... Ngoài ra, họ cũng không được nói những câu đắc tội hay không có lợi đối với linh giới để tránh gây nên âm linh, hoặc là không nên đứng gần biển hay ao hồ để tránh làm vật thế thân cho ma nước khi vô tình rơi xuống nước.

Ngoài ra, vào ban đêm, mọi người sẽ dọn thức ăn lên bàn và kê những chiếc ghế trống cho những người đã khuất, không ai được ngồi trên những chiếc ghế đó. Song song với việc cúng tế là lễ cầu nguyện trong khi đốt vàng mã và thả đèn hoa đăng cho những người đã khuất.

Vu Lan ở Trung Quốc cũng là một dịp lễ nhằm tưởng nhớ đến những người thân đã khuất, bắt nguồn từ phong tục cổ xưa của người Trung Quốc là cúng tế tổ tiên trong mùa thu hoạch nông sản. Vào mùa thu, trước khi sử dụng những thành quả lao động của mình, những người nông dân thường dâng những vật phẩm tốt nhất mà họ thu hoạch được cho những vị thần và tổ tiên của họ để cầu nguyện sự bình an, may mắn và mùa màng bội thu trong những năm tới.

Lễ Vu Lan tại Nhật Bản được gọi là Bon-Odori (hay gọi tắt là Obon). Điểm độc đáo là ở các tỉnh phía Đông của nước Nhật thì lễ Vu Lan được diễn ra vào tháng 7 dương lịch, trong khi đó ở các tỉnh ở phía Tây nước Nhật thì lại diễn ra vào tháng 8 dương lịch.

Tại Nhật Bản, lễ Vu Lan mang ý nghĩa tương tự như ở Việt Nam, nhằm mục đích tưởng nhớ tổ tiên đã khuất. Người Nhật tin rằng vào ngày này, vong linh của tổ tiên sẽ trở về thăm họ. Đồng thời, đây cũng là dịp sum họp của cả gia đình, mọi người sẽ cùng nhau trở về nơi ở của những người quá cố để lau dọn bàn thờ, thăm viếng phần mộ và dâng cúng thực phẩm cho những người thân đã khuất.

Lễ hội này đã tồn tại ở xứ sở hoa anh đào hơn 500 năm, và vì sự thay đổi trong việc sử dụng lịch mà thời điểm tổ chức lễ Vu Lan cũng khác nhau, tùy vào đặc điểm của mỗi vùng miền. Có ba thời điểm chính:

- "Shichigatsu Bon" (lễ Obon vào tháng 7) được tổ chức vào ngày 15-7 dương lịch ở miền Đông Nhật Bản.

- "Hachigatsu Bon" (lễ Obon vào tháng 8) được tổ chức vào ngày 15-8 âm lịch, đây là thời gian phổ biến nhất của lễ Vu Lan tại Nhật Bản.

- "Kyu Bon" (lễ Obon truyền thống) được tổ chức vào ngày 15-7 âm lịch ở các khu vực như phía Bắc của vùng Kanto, vùng Chugoku, Shikoku và tỉnh Okinawa.

Trong những ngày này, người Nhật Bản thường treo đèn lồng "chochin" trước cửa nhà, thả đèn hoa đăng, cúng bánh khảo có màu sắc sặc sỡ trên ban thờ hay ăn bún làm từ bột mì...

Tại Đài Loan, lễ Vu Lan được coi là lễ cô hồn. Mọi người sẽ cùng nhau thả đèn hoa đăng với mục đích là soi sáng đường cho các linh hồn ở cõi âm lên mặt đất hay cho các oan hồn dưới nước lên để cầu nguyện cho họ được đầu thai sang kiếp khác.

Ngoài ra, còn có một số hoạt động khác được tổ chức như múa lân, rước hình nộm, cúng bái ở chùa...

Jungwon hay lễ hội Trung Nguyên là ngày lễ được tổ chức vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm ở xứ sở kim chi. Đây là dịp để cho người dân ở đây tự sám hối, nhận những lỗi lầm do mình gây ra. Vì thế, ngày này cũng có thể được gọi là ngày Tự tứ tại Hàn Quốc.

Ngoài ngày lễ Trung Nguyên ở Hàn Quốc ra thì ở đất nước này còn thêm một ngày là ngày Hạ Nguyên (Hawon), được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch. Cùng với ngày lễ Trung Nguyên thì đây là dịp để cho thần linh trên thiên giới xem xét độ thiện ác của con người.

Trong những ngày này, người Hàn Quốc cũng làm những mâm cơm lớn để cúng bái, giúp cho các vong hồn được siêu thoát, đồng thời cũng thể hiện lòng báo ân, tri ân và cầu nguyện điều tốt lành cho ba mẹ và hay ông bà của họ.

Lễ hội Vu lan tại Campuchia có tên gọi theo tiếng Khmer là Pchum Ben. Đây là lễ hội lớn nhất của Campuchia, kéo dài 15 ngày, từ mùng 1 đến ngày 15 của tháng Mười, tính theo lịch của người Khmer và rơi vào cuối mùa an cư của chư Tăng nước này.

Đây là thời điểm người dân Campuchia bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn của mình đến cha mẹ, tổ tiên, bằng cách cúng dường Tam bảo và làm các việc phước thiện để hồi hướng phước đức siêu độ cho những người quá vãng.

14 ngày đầu tiên được gọi là “Kan Ben”. Trong những ngày này, các gia đình thay phiên nhau dâng cúng thức ăn cho chư Tăng tại một ngôi chùa ở địa phương. Ngày thứ 15 là lễ chính thức với tên gọi “Ben Thom”. Mọi người sẽ mặc trang phục truyền thống, tới chùa để cúng dường. Món ăn đặc trưng của ngày lễ này là món bánh “Bay Ben”, được làm từ bột gạo nếp nấu với nước cốt dừa. Ngoài ra, trong mùa lễ hội còn có các nghệ sĩ trình diễn những điệu nhạc truyền thống như yike và lakhon basac.

Người Malaysia cũng có ngày lễ Vu Lan nhằm tưởng nhớ, biết ơn tới tổ tiên của mình. Theo phong tục, vào ngày lễ tháng 7, người dân sẽ gác hết các công việc xung quanh để thực hiện nghi thức siêu độ vong linh, cúng dường Tam bảo hay là dâng cúng phẩm vật cho người thân đã quá cố.

Lễ Vu Lan 2022 - Bông hồng cài áo là chuyên đề đặc biệt nằm trong sự kiện Ngày lễ Vu Lan 2022 do Eva.vn thực hiện, với sự tài trợ của Nhãn hàng Nguyên Xuân, dầu gội dược liệu được yêu thích nhất và được 89% người trải nghiệm đề cử sau khi sử dụng theo kết quả của Cộng đồng đánh giá lớn nhất Châu Á  - Try and Review.

Sự kiện diễn ra từ ngày 01/08 - 14/08/2022

Quý độc giả hãy cùng đón đọc những bài viết, nội dung mới trong chủ đề Lễ Vu Lan 2022 và follow các hashtag dưới đây trên Facebook & TikTok của Eva nhé.

#Eva #DauGoiDuocLieuNguyenXuan #LeVuLan2022 #BongHongCaiAo #ChomotmuaHieuNghiavaYeuThuong

DOÃN KỲ

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/the-gioi-don-le-vu-lan-theo-nhung-cach-dac-biet-co-gi-giong-va-khac-so-voi-o-viet-nam-a572940.html