Vì sao hoàng đế thời xưa "ân ái" với nhiều mỹ nhân nhưng hiếm khi mắc bệnh tình dục?

Có vô vàn phi tần mỹ nữ trong hậu cung nhưng các hoàng đế thời xưa lại hiếm khi mắc bệnh tình dục.

Từ thời xa xưa, con người đã phát hiện ra một số loại bệnh lây truyền qua đường tình dục. Thế nhưng có một điều kỳ lạ là các hoàng đế Trung Hoa thời xưa luôn có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phi tần mỹ nữ trong hậu cung, mỗi đêm có thể "ân ái" vài người, vậy tại sao họ hiếm khi mắc các bệnh về tình dục? 

Có nhiều lý do dẫn đến việc này mà hầu hết đều liên quan đến người phụ nữ. Trên thực tế, quá trình tuyển chọn mỹ nữ nhập cung vô cùng nghiêm ngặt, khắt khe, bởi đây không chỉ là chuyện riêng của hoàng đế mà còn liên quan đến vận mệnh của quốc gia.

Trước hết, những người phụ nữ đủ điều kiện nhập cung hầu hết đều xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, không phải công chúa, quận chúa thì cũng là tiểu thư quyền quý. Với vị thế của mình, những người này cũng luôn phải giữ gìn trinh tiết, phẩm giá một cách vô cùng cẩn thận. Ngoài ra, họ cũng phải là người còn độc thân, người đang có hôn ước cũng không đủ điều kiện, không chỉ xinh đẹp, đoan trang mà còn phải công dung ngôn hạnh.

Ảnh minh họa

Thế nhưng đó mới chỉ là vòng loại đầu tiên. Khi cô gái được tuyển chọn vào cung, họ còn phải trải qua nhiều thủ tục kiểm tra khắt khe khác, một trong những điều quan trọng nhất là kiểm tra sự trong trắng. 

Người xưa có rất nhiều phương pháp "nghiệm thân" để kiểm tra một cô gái có còn trong trắng hay không. Một trong những phương pháp phổ biến nhất phải kể đến là thủ cung sa. Đó là phương pháp cho thạch sùng cái ăn chu sa, lâu ngày thân thể sẽ biến thành màu đỏ, sau đó đem con thạch sùng này đi phơi khô, tán nhuyễn thành loại bột màu đỏ. Các thái giám sẽ tiến hành chấm một nốt thủ cung sa lên cánh tay cô gái, nếu nốt đỏ này vẫn còn thì cô gái đó còn trinh trắng, ngược lại nếu vết đỏ mờ dần đi thì cô gái đã từng có quan hệ nam nữ. Nếu cô gái nào bị phát hiện nói dối, có thể phải chịu những hình phạt khiếp đảm, thậm chí tru di tam tộc vì phạm thượng.

Ngoài thủ cung sa, còn có nhiều cách khác để kiểm tra trinh tiết của con gái thời xưa, ví dụ như thử máu, phương pháp "gió hắt hơi", xem tướng mạo...

Nhờ những phương pháp này, người ta sẽ đảm bảo những cô gái được tuyển chọn vào cung luôn luôn phải là "gái tân", từ đó tỷ lệ lây nhiễm bệnh tình dục cũng giảm đi rất nhiều.

Bên cạnh đó, những phi tần mỹ nữ trong hậu cung cũng luôn được kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là trước khi phục vụ hoàng đế. Họ phải trải qua "vòng kiểm duyệt" về vấn đề sức khỏe tình dục, nếu không sẽ không được phép gần gũi nhà vua.

Với những điều kiện như vậy, chỉ cần hoàng đế giữ mình thì tỷ lệ mắc bệnh tình dục sẽ rất thấp. Tuy nhiên, không phải tất cả hoàng đế Trung Quốc thời xưa đều may mắn như vậy.

Trong lịch sử đã ghi nhận Hoàng đế Đồng Trị - vị hoàng đế thứ 10 trong thời nhà Thanh của Trung Quốc, từng mắc bệnh giang mai sau khi quan hệ với gái lầu xanh. Những di chứng của căn bệnh này đã khiến Đồng Trị bị sưng hạch bạch huyết, sưng phù phần dưới cơ thể. Do không được can thiệp chữa trị kịp thời, để bệnh diễn tiến nặng, Hoàng đế Đồng Trị đã qua đời khi mới 19 tuổi.

DOÃN KỲ

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-hoang-de-thoi-xua-an-ai-voi-nhieu-my-nhan-nhung-hiem-khi-mac-benh-tinh-duc-a573291.html