Chiều ngày 12/8, phiên tòa xét xử cựu đại tá Phùng Anh Lê (55 tuổi, cựu trưởng Công an quận Tây Hồ) với cáo buộc Nhận hối lộ vẫn đang “nóng” bởi phần thẩm vấn “vênh” nhau giữa các bị cáo.
Cùng bị đưa ra xét xử trong vụ án còn có 3 cựu cán bộ Công an Tây Hồ gồm Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng hình sự), Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó hình sự) và Lê Đình Trung (cựu Đội phó thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) cùng bị VKS truy tố về tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.
Được dẫn giải từ phòng cách ly vào phòng xử án để thẩm vấn, ông Phùng Anh Lê phản bác lại cáo trạng và lời khai của các bị cáo là thuộc cấp.
Theo ông Lê, đã có một cuộc họp thống nhất giữa các bị cáo Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc và Lê Đình Trung (từng là cấp dưới của ông Lê) để quy trách nhiệm cho ông Lê.
Ông này nói “Nếu tôi không ở vai trò bị cáo, thì trách nhiệm thuộc về các bị cáo ngồi đây trong ngày hôm nay. Nhưng nếu đưa tôi làm chủ mưu thì các bị cáo khác vai trò sẽ thấp hơn.”
Trước sự phản bác của ông Lê, HĐXX đã hỏi lại các bị cáo Ngọc và Trung. Hai bị cáo vẫn giữ nguyên lời khai ban đầu và khẳng định có việc ông Lê chỉ đạo để thả người trái pháp luật là đối tượng Nguyễn Hữu Tài.
Cũng theo cáo buộc của VKS, cuối tháng 9/2016, Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm gây ra vụ cướp tài sản ở phường Yên Phụ. Khi ra đầu thú, Tài bị Công an Tây Hồ tạm giữ 4 ngày. Ông Hải - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT quận đã ký quyết định tạm giữ Nguyễn Hữu Tài.
Sau khi Tài bị tạm giữ, người thân của anh ta đã tìm gặp ông Phùng Văn Bảy (chú họ của Lê) để nhờ giúp đỡ. Nghe ông Bảy đặt vấn đề, ông Lê đồng ý cho Tài ra về với điều kiện gia đình nghi phạm phải đưa 110 triệu đồng để bồi thường cho bị hại.
Khuya 22/9/2016, ông Bảy mang tiền đến phòng làm việc của ông Lê. Sau đó, bị can Phùng Anh Lê đã chỉ đạo cấp dưới thả Tài mà không cần các thủ tục tố tụng theo quy định.
Khi được HĐXX hỏi về việc ông Bảy đưa tiền, ông Phùng Anh Lê cho rằng hoàn toàn không có việc này.
Ông Lê khai quen biết với ông Bảy trong các cuộc giỗ ở quê. Sau đó, thi thoảng ông Bảy có gọi cho ông Lê để vay tiền.
“Làm liên lụy đến ông Lê nên bản thân ông Bảy đã ngồi xin lỗi vợ chồng ông tôi và nói chuyện đưa tiền không có thật, đồng thời gửi thư xin lỗi tôi”, ông Lê trình bày trước tòa.
Theo ông Lê khai tại tòa “Sau khi tôi bị đình chỉ công tác, tâm lý tôi bất ổn nên thường xuyên nhờ người lái xe hộ cho an toàn. Một lần em rể tôi lái xe đưa tôi về quê, về nhà ông Đằng (bố ruột ông Bảy) thì thấy có ông Bảy đang ngồi ở đấy. Ông Bảy xin lỗi vợ chồng tôi về việc không đưa tiền cho tôi, nhưng vì việc đấy mà tôi bị đình chỉ công tác. Em rể tôi đã dùng điện thoại ghi hình lại việc xin lỗi này”. – Bị cáo Phùng Anh Lê khai.
Song quá trình thẩm vấn trước đó, ông Phùng Văn Bảy thừa nhận có việc được người nhờ giúp cho Tài ra. Sau đó, ông bảy có gọi điện thoại cho Lê và được cháu họ này báo 110 triệu đồng để hoà giải nên báo lại cho gia đình Tài.
Ông này cũng khẳng định, đích thân cầm một “cục tiền” lên phòng đưa cho Lê, bên trong có bao nhiêu thì do vội quá nên không đếm; cứ tin tưởng người nhà Tài nói bên trong có 103 triệu đồng, thiếu 7 triệu và chính ông Bảy bỏ tiền túi ra cho vay rồi cầm hết lên đưa cho Lê.
"Tôi có lên phòng Lê, và đưa tiền. Lê cầm và bảo, chú cứ bảo họ về đi”, ông Bảy trình bày và khẳng định chắc chắn đưa tiền cho bị cáo Phùng Anh Lê.
HĐXX tiếp tục làm việc. Phiên xét xử dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 13/8, tòa làm việc cả trong ngày nghỉ.
T.V
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cuu-dai-ta-phung-anh-le-cho-rang-thuoc-cap-cua-minh-dang-ban-tinh-am-muu-a573305.html