Món ăn khoái khẩu thời bao cấp nay thành đặc sản ở thành phố, chị em muốn mua phải chờ đến lượt, 50.000 đồng/kg

Trước đây, người dân nghèo ở miền quê thường ăn củ dong riềng thay cơm. Còn bây giờ, nó trở thành đặc sản, thỉnh thoảng mới được bán ở chợ, các chị em tranh nhau mua về thưởng thức. 

Dong riềng, còn gọi là khoai riềng, là một trong những loại cây lương thực được trồng phổ biến ở các vùng nông thôn nước ta. Trong những năm tháng khó khăn, cùng với ngô, khoai, sắn, củ dong riềng là thứ được dùng để thay thế cho lúa gạo bằng cách luộc ăn, độn với cơm, làm miến,...

Trong những năm tháng khó khăn, cùng với ngô, khoai, sắn, củ dong riềng là thứ được dùng để thay thế cho lúa gạo

Theo tìm hiểu, dong riềng là cây thân thảo, có tên khoa học là Canna edulis Ker, nguồn gốc Nam Mỹ. Chúng có giá trị kinh tế và có nhiều ứng dụng: củ đem luộc để ăn, bột dong riềng có thể làm miến, bánh đa, hạt trân châu hoặc để chăn nuôi…

Ở Việt Nam, dong riềng được trồng nhiều ở miền Bắc, miền Trung, nơi nào đất xốp, nhiều mùn, nơi đủ ẩm, có nắng thì dong riềng phát triển mạnh, cho năng suất củ cao, phẩm chất tốt. Thời vụ trồng dong riềng từ tháng 2 đến tháng 5. Dong riềng đỏ phát triển củ theo chiều ngang, rễ cây ăn sâu do vậy làm đất phải chú ý cày sâu 15-20 cm.

Chị Hoàng Trang (ở Diễn Châu, Nghệ An) nhớ lại: "Tôi nhớ hồi còn bé dong riềng trồng khắp vườn, đến mùa lấy củ nấu độn cơm. Thời đó ăn nhiều dong riềng đến phát ngán, bữa ăn dọn ra, cơm "chạy mỗi nơi một hạt", còn lại lổn nhổ khoai lang, dong riềng thái thành từng miếng. Rồi mỗi lần đi học về, bà và mẹ lại luộc cả rổ dong riêng nhai mỏi cả miệng. Giờ đây, khi cuộc sống đủ đầy thì dong riềng lại là thức quà lạ, thỉnh thoảng mới thấy bán ở chợ thành phố. 

Dong riềng giờ là thức quà lạ, ít thấy bán ở chợ thành phố

Tôi đi chợ hễ thấy có ai bán dong riềng là mua luôn vài cân về luộc ăn, giá khoảng 40.000-50.000 đồng/kg nhưng được nhiều lắm, củ cũng bé bé chứ không to. Ở chợ cóc gần chỗ tôi ở có bán nhưng chỉ những lúc đi chợ sớm mới mua được, còn đi muộn thì không còn hàng để mua. Thứ củ này cứng và nhiều xơ nên phải luộc kỹ ăn mới có nhiều bột".

Cũng giống như chị Trang, bạn Ánh (ở Hà Nội) cho biết chị rất thích ăn củ dong riềng nhưng không phải lúc nào cũng mua được ở thành phố. "Tôi rất ít khi thấy củ dong riêng bán ở chợ, không phải bán nhiều như khoai, nên thỉnh thoảng đến mùa tôi lại nhờ mẹ mua ở quê gửi lên. Củ dong riềng luộc kỹ, chấm với đường ăn rất nhiều bột, vị ngọt bùi. Đặc biệt những ngày trời mưa, luộc một rổ củ dong riềng ăn lai rai thì rất hấp dẫn, lại nhớ đến những ngày còn bé vui sướng mỗi khi mẹ luộc dong riềng cho mấy chị em ăn "chống đói" buổi chiều", chị Ánh nhớ lại. 

Hiện nay, ở một số chợ và trên sàn thương mại điện tử cũng có bán củ dong riềng nhưng không nhiều, khách muốn mua phải đi sớm hoặc đặt hàng trước. 

Củ dong riêng cỡ 250-280 ngày được nông dân ưa chuộng và sử dụng là nguyên liệu để sản xuất miến dong đặc sản nổi tiếng ở nhiều vùng miền trên cả nước. Củ có chứa nhiều tinh bột giúp sợi miến khi làm ra có độ dai giòn thơm ngon. 

HÀ ANH

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/mon-an-khoai-khau-thoi-bao-cap-nay-thanh-dac-san-o-thanh-pho-chi-em-muon-mua-phai-cho-den-luot-50000-dongkg-a573453.html