Hôm nay (17/8), Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh. Hội thảo đã đề cập đến những quan điểm xây dựng, giải pháp ứng phó và các khuyến nghị chính sách quốc tế dành cho Việt Nam về chuyển đổi năng lượng xanh.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh. Với định hướng là nâng cao hiệu suất, hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm tiêu hao năng lượng, đảm bảo an ninh quốc gia về năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng chuyển đổi và đẩy mạnh khai thác có hiệu quả. Định hướng này là toàn diện, tổng thể, góp phần thực hiện mục tiêu giảm rác thải của quốc gia.
“Tại hội nghị COP26, lần đầu tiên 50 quốc gia trong đó có Việt Nam đã tham gia tuyên bố toàn cầu để chuyển đổi năng lượng than sang năng lượng sạch. Chúng tôi cho rằng đây là mục tiêu khác tham vọng, đòi hỏi quyết tâm lớn. Theo đó, Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030, giảm 32,6% lượng rác thải khí nhà kính trong ngành năng lượng…”, Bà Ngọc cho hay.
Đánh giá tiềm lực của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng
Ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn là tích cực. Việt Nam đang nỗ lực mạnh mẽ để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong bối cảnh đó, dự báo nhu cầu năng lượng, nhu cầu điện trong vài năm tới của Việt Nam sẽ tăng nhanh. Song song với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam cũng đang xây dựng chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ đến năm 2050.
Chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ b ngành năng lượng mà chính là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thông dụng nhiều năng lượng sang sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Từ đó thực hiện thành công Chiến lược, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song song với việc thực hiện cam kết quốc tế tại Hội nghị Cop26, ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng và cần có những bước chuyển dịch cơ cấu và nguồn lực phù hợp.
Theo thông tin của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, các nguồn nhiệt điện chính của hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt là điện than, chiếm hơn 31% công suất và tới 50% tổng sản lượng điện sản xuất. Nguồn điện này phát thải nhiều khí CO2 ảnh hướng tới môi trường và cần phải được hạn chế phát triển về dài hạn nhằm đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Những đề án, giải pháp dành cho Việt Nam
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, có đề cập về đề án nhiệm vụ giải pháp triển khai kết quả COP26. Đề án đưa ra 8 nhóm, 42 nhiệm vụ dài hạn, 31 nhiệm vụ ưu tiên thực hiện, 2 nhiệm vụ dài hạn là hoàn hiện đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy các cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; 6 nhiệm vụ dài hạn là tập trung phát triển năng lượng các nguồn năng lượng tái tạo, không phát thải mới, công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ thu giữ và sử dụng các bon; 7 nhiệm vụ dài hạn là thúc đẩy giảm phát thải trong giao thông và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị và công trình xây dựng xanh; 8 nhiệm vụ dài hạn về phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, bảo vệ, bảo tồn sử dụng và phát triển bền vững rừng; 5 nhiệm vụ dài hạn về bảo vệ, phục hồi các nguồn tài nguyên, phát triển các hệ sing thái tự nhiên; 7 nhiệm vụ dài hạn về chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; 5 nhiệm vụ dài hạn về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, truyền thông; 2 nhiệm vụ dài hạn về thúc đẩy ngoại giao khí hậu.
Ngoài ra, bà Trần Hồng Việt – Phụ trách Năng lượng, khí hậu và tăng trưởng xanh, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu về các khuyến nghị chính cho chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam.
“Mức phát thải cần đạt đỉnh muộn nhất vào 2035 để đạt được mục tiêu net zero và tránh được chi phí quá cao. Vậy nên cần tập trung vào điện hóa tất cả các ngành/lĩnh vực, đặc biệt giao thông và công nghiệp là hai ngành khó xử lý các-bon nhất. Ngoài ra, điện từ năng lượng tái tạo cần là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân. Về hệ thống điện cần hạn chế xây dựng thêm các nhà máy điện khí và LNG, khẩn trương tăng cường và mở rộng hệ thống truyền tải. Ngành giao thông nên loại bỏ dần phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sử dụng nguyên liệu hóa thạch, chuyển sang phương thức vận tải công cộng…”, bà Trần Hồng Việt phát biểu.
Kết luận Hội thảo, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định việc chuyển đổi năng lượng muốn thành công thì phải có quyết tâm chính trị lớn và sự kết hợp đồng bộ từ tất cả các bên có liên quan
Vi Sa
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nen-loai-bo-dan-phuong-tien-su-dung-dong-co-dot-trong-a573799.html